Bình Phước nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh

Hai năm qua, Bình Phước luôn đứng ở vị trí áp chót trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của cả nước. Mặc dù chưa thể thay đổi thứ hạng PCI trong 'một sớm một chiều', nhưng tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng tính minh bạch, không để xảy ra trình trạng 'trên nóng dưới lạnh', từng bước nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế - xã hội của địa phương.

Bình Phước đặt máy tự động để người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ tại bộ phận một cửa.

Bình Phước đặt máy tự động để người dân đánh giá chất lượng phục vụ của cán bộ tại bộ phận một cửa.

Xác định rõ nguyên nhân

Kết quả PCI của tỉnh Bình Phước năm 2018 mặc dù đã được cải thiện, tăng một bậc so với năm 2017, đứng thứ 61 trong số 63 địa phương, tuy nhiên vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra của tỉnh là tăng từ năm đến bảy bậc. Nguyên nhân là do hai chỉ số có trọng số cao nhưng lại giảm cả điểm và xếp hạng đã ảnh hưởng lớn đến kết quả PCI. Cụ thể, năm 2018, chỉ số “Tính minh bạch” có trọng số 20% xếp hạng 45, giảm 19 bậc so với năm 2017 do việc tiếp cận tài liệu quy hoạch, tài liệu pháp lý còn khó khăn, đồng thời tỷ lệ DN nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp giảm từ 74% còn 53%, trong khi đó, thời gian chờ đợi lại tăng từ ba lên 3,5 ngày; điểm số về độ mở và chất lượng trang web của tỉnh giảm từ 39,5 còn 27,5 điểm. Trách nhiệm này thuộc về giám đốc các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Bên cạnh đó, chỉ số gia nhập thị trường giảm 0,9 điểm và giảm 20 bậc so với năm 2017. Thời gian đăng ký DN tăng từ ba lên năm ngày; số ngày thay đổi đăng ký DN tăng từ 2,5 ngày lên bốn ngày và có tới 25% số DN đồng ý nhận định phải chờ cả tháng mới hoàn thành tất cả thủ tục để chính thức hoạt động. Trách nhiệm thuộc về Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối chịu trách nhiệm chính thực hiện chỉ số này. Còn về thủ tục đất đai và xây dựng bị chậm trễ, trách nhiệm thuộc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Xây dựng. Điều này tác động đến chỉ số tính năng động của chính quyền tỉnh xếp hạng 62, giảm 1,11 điểm và giảm 27 bậc so với năm 2017. Mặt khác, việc cấp thực thi công vụ ở các sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố chưa tốt, trách nhiệm này thuộc về lãnh đạo, chánh văn phòng UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh cũng giảm 0,44 điểm, giảm bảy bậc so với năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại DN đạt thấp (37%), chất lượng dịch vụ giới thiệu việc làm của tỉnh chưa cao thể hiện qua tỷ lệ DN sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm tại tỉnh Bình Phước chỉ đạt 56%.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước Võ Sá cho biết: Trong năm 2018, các tỉnh trong nhóm dẫn đầu về chỉ số PCI có dấu hiệu chững lại về điểm số nhưng Bình Phước đã có bước tăng trưởng khá, tăng từ 56,7 lên 60,02 điểm, đạt mức điểm tăng cao nhất trong năm qua so với các địa phương trong cả nước. Đồng thời, nhiều điểm số của các chỉ tiêu thành phần đều tăng, nhất là chỉ số thành phần có trọng số cao đã góp phần giúp Bình Phước tiến gần hơn với nhóm các tỉnh có điểm số cao. Bốn chỉ số thành phần đã thật sự góp phần cải thiện điểm số PCI năm 2018, gồm: Dịch vụ hỗ trợ DN (tăng 1,36 điểm và tăng 45 bậc), chi phí thời gian (tăng 1,18 điểm và tăng 21 bậc), chỉ số chi phí không chính thức (tăng 1,29 điểm và tăng 19 bậc) và chỉ số cạnh tranh bình đẳng (tăng sáu bậc). Đáng chú ý, các dịch vụ hỗ trợ DN ngày càng nâng cao và được cộng đồng DN tin tưởng, đánh giá cao. Các DN sẵn sàng sử dụng dịch vụ của tỉnh như: Thông tin thị trường, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, công nghệ, đào tạo về kế toán tài chính và quản trị kinh doanh.

Tháo gỡ từ gốc rễ vấn đề

Từ việc xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng bộ phận, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tập trung một số giải pháp trọng tâm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để cải thiện từng chỉ số thành phần, nâng cao chỉ số PCI, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh với mục tiêu tăng từ năm đến bảy bậc PCI trong năm 2019. Cụ thể, tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng; công bố công khai minh bạch các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, đơn giản hóa trong năm; không đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định. Bên cạnh đó, Bình Phước sẽ xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu không thực hiện đúng, đầy đủ quy định mới về điều kiện kinh doanh, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và DN.

Đáng chú ý, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương đã định kỳ tiếp DN để tháo gỡ khó khăn. Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước) Nguyễn Đức Thành cho biết: Lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều buổi đi thăm và làm việc nhằm kịp thời nắm bắt và giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Đến nay, tỉnh đã tổ chức bốn buổi tiếp DN tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bảy cuộc họp tổ thu hút đầu tư và tháo gỡ khó khăn cho DN, góp phần giải quyết dứt điểm 42 nội dung kiến nghị của DN. Nhờ đó, trong sáu tháng đầu năm 2019, Bình Phước đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư khoảng 15 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ; hơn 20 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký hơn 200 triệu USD. Lũy kế đến đầu tháng 6-2019, Bình Phước thu hút 207 dự án FDI, vốn đăng ký hơn hai tỷ USD. Có 530 DN đăng ký thành lập mới, vốn đăng ký 5.876 tỷ đồng, tăng 12% về số DN, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 7.195 DN với tổng nguồn vốn đăng ký là 64.361 tỷ đồng.

Một trong những vấn đề quan trọng khác luôn được lãnh đạo tỉnh Bình Phước tập trung là công tác cải cách TTHC phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế của tỉnh. Nhiều năm qua, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính với người dân, DN được cải thiện rõ rệt, TTHC thường xuyên được rà soát và niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân. Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vũ Xuân Trường cho biết: Trong năm 2018 và sáu tháng đầu năm 2019, tổng số văn bản quy phạm pháp luật do HĐND và UBND tỉnh ban hành là 18 nghị quyết và 64 quyết định đều được kiểm tra, kiểm soát, báo cáo Bộ Tư pháp và cập nhật lên cơ sở dữ liệu quốc gia. Tổng số TTHC đưa ra Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh của 21 sở, ngành là 1.492 trong tổng số 1.685 thủ tục. Đến nay, tất cả số TTHC cấp xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã và 89% số TTHC cấp tỉnh được tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa và một cửa liên thông; có 2.210 dịch vụ công được đăng tải trên trang điện tử. Đồng thời, Bình Phước đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm tuyển chọn người tài góp phần vận hành bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả hơn.

Sáu tháng đầu năm, khảo sát phiếu đánh giá mức độ phục vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh cho thấy 99,68% số người dân, DN đánh giá hài lòng và rất hài lòng; cấp huyện, thị xã, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn không ghi nhận ý kiến nào đánh giá không hài lòng. Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu phục vụ nhân dân, DN của hệ thống chính quyền trên địa bàn tỉnh. Tuy góc độ khảo sát quy mô nhỏ, phiếu lấy khảo sát chưa nhiều nhưng có thể coi là một trong những tín hiệu tích cực trong công cuộc cải thiện vị trí chỉ số PCI của Bình Phước.

Bài và ảnh: Nhất Sơn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40979102-binh-phuoc-no-luc-cai-thien-nang-luc-canh-tranh.html