Bình Phước: Tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về kết quả thực hiện các mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện, nhất là số hóa các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP.

Ngày 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước tổ chức hội thảo chuyên đề “Tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Phước”.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày về chuyển đổi số của các đơn vị, công ty, doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN.

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày về chuyển đổi số của các đơn vị, công ty, doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Bình - TTXVN.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về kết quả thực hiện các mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện, nhất là số hóa các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP; tình hình chuyển đổi số của các doanh nghiệp, định hướng với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trang trại. Các đại biểu đã đề xuất với UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Dịp này, các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số tư vấn, giới thiệu về các mô hình, giải pháp chuyển đổi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước Nguyễn Minh Quang cho biết, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số ở cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số); trong đó, mục tiêu phát triển đến năm 2025, kinh tế số phấn đấu chiếm 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm từ 7 - 10% trong tổng GRDP của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông (ICT), các hoạt động “kinh tế số nền tảng” trên mạng internet, kinh tế số ngành.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Bình Phước tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại thực hiện chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể như: Ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; số hóa lĩnh vực thủy lợi nước sạch nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực (điều, cao su, tiêu, cà phê, cây ăn trái...), sản phẩm OCOP. Địa phương đã tổ chức các phiên chợ không dùng tiền mặt, hội nghị, hội thảo, tập huấn kiến thức, phần mềm, ứng dụng để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 5 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã; khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Toàn tỉnh có trên 1,1 triệu giao dịch trên sàn thương mại điện tử (Shopee, Sendo, Lazada, Tiki…). Riêng Sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ 99 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với 390 sản phẩm tham gia chào bán trên sàn.

Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước Võ Anh Kiệt cho biết, đơn vị đã xây dựng 2 mô hình hợp tác xã chuyển đổi số toàn diện gồm: Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Phước Thiện (ấp Tân Lập, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp) với quy mô 2 ha mít ruột đỏ, 1 ha vú sữa Hoàng Kim; Hợp tác xã Hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (ấp Bù Tam, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh) quy mô 2 ha tiêu canh tác theo quy trình hữu cơ.

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục triển khai các phần mềm quản lý sản xuất, tài chính và nhân sự nhằm tối ưu hóa quy trình hoạt động; khuyến khích các hợp tác xã áp dụng công nghệ IoT và công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp. Đơn vị sẽ phổ biến và vận động các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hoạt động thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm, tạo kênh bán hàng trực tuyến; hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia “Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng và đưa vào hoạt động.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Phước Nguyễn Đình Sơn, đề xuất, UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm, có chính sách về nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện và ứng dụng chuyển đổi số; giảm bớt thủ tục hành chính nhằm tăng hiệu quả chuyển đổi số tại doanh nghiệp.

Nhật Bình

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/binh-phuoc-tang-toc-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-kinh-doanh/349634.html