Bình Phước: Tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử cho doanh nghiệp

Sáng 8/10, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND thành phố Đồng Xoài tổ chức chức khai mạc Hội thảo chuyên đề về chuyển đổi số năm 2024. Hội thảo bàn, thảo luận về các giải pháp nhằm tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.

Đại diện các Sở, ban, ngành tham dự Hội thảo sáng 8/10.

Đại diện các Sở, ban, ngành tham dự Hội thảo sáng 8/10.

Tham dự buổi khai mạc có đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng lãnh đạo các Sở, ngành, doanh nghiệp tỉnh Bình Phước.

Phát biểu khai mạc, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu và là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta đã xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước phát biểu tại Hội thảo.

Trong đó, kinh tế số được kỳ vọng sẽ trở thành động lực chính giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045. Tại Bình Phước, tỉnh đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số của tỉnh chiếm 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số của mỗi ngành chiếm 07 - 10% trong tổng GRDP của tỉnh.

Để hiện thực hóa các chỉ tiêu nêu trên, Bình Phước đang đẩy mạnh tăng tốc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng chuyển đổi số; xây dựng, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại thực hiện chuyển đổi số trong quá trình sản xuất và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như: Ứng dụng công nghệ 4.0, IoT trong sản xuất, tham gia các sàn thương mại điện tử (TMĐT), truy xuất nguồn gốc sản phẩm; số hóa lĩnh vực thủy lợi, nước sạch nông thôn, trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh (điều, cao su, tiêu, cà phê, cây ăn trái...), các sản phẩm OCOP; tổ chức các phiên chợ không dùng tiền mặt, phần mềm, ứng dụng để thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu thăm quan, tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại Hội thảo.

Các đại biểu thăm quan, tìm hiểu các sản phẩm trưng bày tại Hội thảo.

Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 05 mô hình thí điểm chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Trong đó, có khoảng 28 hợp tác xã đã ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh (chủ yếu sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm). Toàn tỉnh có tổng số lượng giao dịch trên sàn TMĐT (Shopee, Sendo, Lazada, Tiki…) trên 1,1 triệu giao dịch, với số tiền giao dịch thành công ước gần 237.000 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể trong công tác tổ chức tuyên truyền, tập huấn về nhận thức tầm quan trọng, vai trò của của chuyển đổi số còn chưa thường xuyên, hiệu quả. Việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, ứng dụng số thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số chưa hoàn thành. Việc triển khai phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Triển khai các giải pháp công nghệ mới đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu tương đối lớn, không phải đơn vị nào cũng có sẵn nguồn nhân lực để thực hiện, trong khi nguồn ngân sách hỗ trợ của Nhà nước còn hạn chế.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tham dự Hội thảo để giới thiệu sản phẩm của mình.

Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tham dự Hội thảo để giới thiệu sản phẩm của mình.

Tham gia Hội thảo lần này, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đề xuất các giải pháp nhằm giúp chuyển đổi số toàn diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số ý kiến đều nhấn mạnh lấy uy tín, an toàn làm tiêu chí hàng đầu.

Đại diện Công ty TNHH FPT IS cho biết, trong kỷ nguyên số, dữ liệu đã trở thành tài sản vô giá của mọi tổ chức. Việc quản lý, phân tích và tận dụng hiệu quả dữ liệu là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác, tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao năng suất, hiệu quả.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước cho rằng, hội thảo năm nay được tổ chức với mục đích thảo luận, bàn sâu hơn về kết quả thực hiện các mô hình hợp tác xã thí điểm chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện số hóa các sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm OCOP; đề xuất với UBND tỉnh về các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh…

Đồng thời, các cơ quan chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số sẽ tư vấn, giới thiệu về các mô hình, giải pháp chuyển đổi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, chủ trang trại trên địa bàn tỉnh.

Xuân An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/binh-phuoc-tang-toc-chuyen-doi-so-trong-san-xuat-kinh-doanh-thuong-mai-dien-tu-cho-doanh-nghiep-385600.html