Bình Phước tập trung phát triển sầu riêng theo hướng liên kết chuỗi
Hiện sầu riêng được xem là cây trồng có giá trị cao, có thị trường rộng mở. Chính vì thế Bình Phước tập trung phát triển chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng để nâng cao giá trị, mang đến lợi nhuận cùng thị trường phát triển rộng hơn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Phước cho hay hiện nay trên địa bàn có hơn 5.300ha trồng sầu riêng, sản lượng đạt khoảng 14.850 tấn. Diện tích sầu riêng tập trung tại các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập và Lộc Ninh, với cơ cấu giống Dona chiếm 61%; Ri6 31%; chín hóa 5%, giống khác 4,3%.
Tính đến nay toàn tỉnh có hơn 1.000ha sầu riêng được Chứng nhận Tiêu chuẩn GAP; trong có có 831ha đạt Tiêu chuẩn VietGAP và 184 GlobalGAP. Đặc biệt, đã có 17 mã số vùng trồng với diện tích 1.000ha trồng sầu riêng đã được cấp chứng nhận.
Cũng theo Sở NN&PTNT Bình Phước, tỉnh có 31 chuỗi liên kết trong trồng sầu riêng; trong đó có 20 doanh nghiệp trái cây tham gia liên kết liên kết xây dựng mã số vùng trồng tại tỉnh. Đây chính là các chuỗi giúp phát triển loại cây ăn trái giá trị cao, cho các sản phẩm chất lượng phục vụ xuất khẩu tốt nhất.
Việc thực hiện canh tác bài bản theo theo Tiêu chuẩn GAP, quản lý bằng mã số vùng trồng và liên kết theo chuỗi sản phẩm để xuất khẩu nông sản, đang là những cách làm mà người nông dân trồng sầu riêng tại Bình Phước thực hiện.
Người trồng sầu riêng trên địa bàn Bình Phước đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất như tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp phun sương, nhỏ giọt; bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt; sử dụng năng lượng mặt trời để tưới cây; dùng máy bay không người lái phun thuốc bón phân, thu hoạch; ứng dụng công nghệ số để ghi lại lịch sử sản xuất của từng cây trồng… đã và đang mang lại hiệu quả cao trong quá trình canh tác sầu riêng.,
Hiện tại, việc giám sát quản lý mã số phục vụ xuất khẩu được tỉnh Bình Phước tiến hành định kỳ 6 tháng/lần và được báo cáo về Cục Bảo vệ Thực vật để thông tin cho nước nhập khẩu nhằm duy trì mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. 95% sản lượng quả sầu riêng tươi của Bình Phước được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn lại tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Doanh nghiệp hỗ trợ các hộ sản xuất sầu riêng kết nối được với các cơ sở đóng gói uy tín để trái sầu riêng có giá ổn định không bị ép giá. Từ đầu năm 2023 đến nay, doanh nghiệp đã hỗ trợ nông dân bán hơn 3.000 tấn sầu riêng tươi. Kế hoạch năm 2024 sẽ hỗ trợ nông dân tiêu thụ khoảng 10.000 tấn sầu riêng tươi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp tham gia vào “chuỗi sầu riêng” cho rằng, hiện nay diện tích trồng cây sầu riêng trên địa bàn Bình Phước còn phân tán, chất lượng chưa đồng đều. Diện tích được cấp mã vùng trồng, sản xuất đảm bảo Tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP còn thấp so với tổng diện tích canh tác.
Để phát triển bền vững, hiệu quả cây sầu riêng phải có sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị; duy trì và đảm bảo đáp ứng Tiêu chuẩn tối thiểu VietGAP và nâng dần Tiêu chuẩn GAP để cạnh tranh sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường mới Tiêu chuẩn GAP cao hơn, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Sầu riêng là loại cây trồng cho giá trị cao, chính vì thế diện tích trồng chúng không ngừng tăng cao. Việc của các nhà vườn chính là tập trung chọn giống tốt, chăm sóc đúng quy trình. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng cũng như đảm bảo mang đến sản phẩm sầu riêng có giá trị cao.