Bình Phước: Tiềm năng hút đầu tư nhờ loạt dự án khu công nghiệp 'khủng'
Hai khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú sắp hoàn thiện thủ tục pháp lý. Cùng dự án Khu công nghiệp Đô thị - Dịch vụ VSIP Bình Phước đang trong quá trình đề xuất thực hiện được coi là động lực mới trong hút đầu tư của tỉnh.
Kỳ vọng hút đầu tư nhờ 3 KCN mới
Theo số liệu từ UBND tỉnh Bình Phước, 7 tháng đầu năm toàn tỉnh thu hút được 11 dự án, với số vốn gần 97 triệu USD, đạt 24,22% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 416 dự án FDI với tổng vốn đầu tư là 4 tỷ 332 triệu USD. Lãnh đạo tỉnh đánh giá, thu hút đầu tư FDI trên địa bàn hiện đạt tỷ lệ thấp.
Với quy hoạch là cực tăng trưởng mới của khu vực Đông Nam Bộ nhờ có vị trí địa lý chiến lược, có các tuyến giao thông kết nối thuận lợi và giữ vai trò quan trọng; là cửa ngõ kết nối, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng với Tây Nguyên và Campuchia - Lào - Thái Lan, Bình Phước đang được nhiều nhà đầu tư, nhất là các dự án về KCN ngắm đến.
Cụ thể, tháng 6/2024, trong phê duyệt chỉ tiêu sử dụng đất cho các dự án KCN mới đến 2025 của UBND tỉnh. Loạt KCN Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) làm chủ đầu tư đã được phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất gồm: KCN Bắc Đồng Phú mở rộng được phân bổ 133 ha và KCN Nam Đồng Phú mở rộng được phân bổ 75 ha.
Chủ đầu tư kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng trong quý 4/2024.
Đối với dự án KCN Nam Đồng Phú mở rộng (tổng quy mô 48 ha), mặc dù việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất diễn ra sớm hơn kỳ vọng (trước năm 2025) nhưng ban lãnh đạo Cao su Đồng Phú cho biết công ty sẽ thực hiện bổ sung vốn và các thủ tục đầu tư khác sau khi hoàn hiện pháp lý cho dự án KCN Bắc Đồng Phú mở rộng.
Hai dự án khu công nghiệp “khủng” này sắp hoàn thiện thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng. Đây được coi là dự án lớn trong hút đầu tư của tỉnh.
Mới đây, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Phước vừa có Tờ trình gửi Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương Công ty liên doanh KCN Việt Nam - Singapore (VSIP) nghiên cứu, khảo sát phát triển KCN và phát triển khu đô thị - dịch vụ tại huyện Đồng Phú.
Theo đó, thống nhất chủ trương cho VSIP nghiên cứu, khảo sát phát triển 1 khu đô thị - dịch vụ tại huyện Đồng Phú (nằm ngoài khu vực quy hoạch 4.200 ha các KCN Đông Nam Đồng Phú).
Bởi theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023), các KCN Đông Nam Đồng Phú được quy hoạch với diện tích 4.200 ha.
Được biết dự án KCN VSIP Bình Phước, đang đề xuất nghiên cứu có tổng quy mô 2.500 ha, thuộc xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Trong đó, phần KCN có diện tích 1.500 ha, được chia thành hai phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1 là 1.000 ha và giai đoạn 2 là 500 ha). Phần khu đô thị - dịch vụ có diện tích 1.000 ha. Thời gian triển khai toàn bộ dự án từ năm 2024 đến năm 2035.
Phía VSIP đánh giá, dự án này sẽ tạo sự lan tỏa phát triển theo hướng Đông - Tây, phát triển hành lang kinh tế Tây Ninh - Bình Dương - Bình Phước - Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tạo khả năng huy động được nhiều nguồn lực, đối tác lớn, tạo động lực mới giúp tỉnh Bình Phước phát triển kinh tế xã hội.
Đồng bộ, nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics
Với quyết tâm thực hiện kế hoạch phát triển 35 cụm công nghiệp (CCN) tại 11 huyện, thị xã với tổng nhu cầu nguồn vốn lên đến 5.900 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ có 21 CCN với tổng diện tích là 583 ha. Giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh sẽ có thêm 14 CCN được bổ sung với dự kiến tổng diện tích quy hoạch KCN Bình Phước là 33 ha/cụm.
Tỉnh ưu tiên phát triển KCN có quy mô nhỏ có diện tích dưới 500 ha và KCN có quy mô vừa diện tích từ 500 ha đến dưới 1.000 ha; không phát triển các dự án KCN quá lớn với diện tích trên 1.000 ha.
Bình Phước đang phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là điểm đến hấp dẫn của vùng Đông Nam Bộ. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đang nhanh chóng triển khai, xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm có thu nhập và nguồn thu ngân sách; thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị...
Theo đó, tỉnh đang tập trung triển khai tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án giao thông kết nối liên vùng (đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; đường Đồng Phú - Bình Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền nhận định, vấn đề liên kết vùng chính là phương án tạo sự cộng hưởng cho phát triển. Đó là phát triển các tuyến cao tốc kết nối tỉnh Bình Phước với các địa phương trong vùng. Cụ thể, dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành; cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành được triển khai xây dựng và đưa vào khai thác sẽ góp phần hình thành tuyến đường mới phá vỡ thế độc đạo của Quốc lộ 14, kết nối Vùng Tây Nguyên và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ngoài ra, Bình Phước cũng xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, hệ thống kết nối giao thông giữa các trục động lực phát triển của tỉnh như: đường Đồng Phú - Bình Dương, tuyến đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối Bàu Bàng - Chơn Thành - Hoa Lư, tuyến ĐT 753...
Đặc biệt, Bình Phước còn đầu tư xây dựng khu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ cho vùng Đông Nam Bộ có diện tích khoảng 200 ha tại TP. Đồng Xoài; xây dựng mới, mở rộng quy mô, vận hành có hiệu quả các trung tâm logistics, kho hàng, kho ngoại quan gắn với các đô thị, khu công nghiệp, khu vực cửa khẩu, lối thông quan.