Bình Phước trong top 10 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số: Ngược dòng để bứt phá

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp bộ, tỉnh năm 2021. Theo đó, Bình Phước đã tăng 16 bậc so với năm 2020 và là lần đầu tiên trong top 10 tỉnh/thành dẫn đầu cả nước về chỉ số DTI 2021. Kết quả này cho thấy, chuyển đổi số (CĐS) tại tỉnh không còn là cụm từ hô hào suông mà đã và đang triển khai làm thực chất, hiệu quả với quyết tâm mãnh liệt, khát vọng xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp (DN) là thước đo chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính trong tỉnh.

Bình Phước là địa phương gần như không có nền tảng ban đầu để triển khai CĐS. Kết quả xếp hạng chung chỉ số “Vietnam ICT Index” của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2019, Bình Phước xếp thứ 56/63 tỉnh, thành. Vị trí này buộc Bình Phước phải bứt phá vươn lên. Và chỉ số DTI năm 2021 vừa được công bố, Bình Phước đứng thứ 9/63 tỉnh, thành. Điều này không chỉ chứng minh chủ trương đúng, tinh thần đồng thuận cao mà còn phản ánh đúng những gì Bình Phước đã làm được trong thời gian không dài.

Các dự án công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở được tỉnh đầu tư bài bản, hiệu quả rõ nét như “bộ não số” IOC, trung tâm hành chính công các cấp. Trong ảnh: Kỹ sư công nghệ thông tin vận hành các dịch vụ được tích hợp tại Trung tâm IOC tỉnh

Bứt phá từ nghị quyết chuyên đề

Xuất phát điểm gần như từ số 0, Bình Phước xác định mục tiêu “đi trước, đón đầu” bằng việc tiên phong xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo lộ trình linh hoạt, tiến tới CĐS toàn diện. Như Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đã khẳng định: CĐS thể hiện tầm nhìn xa và khát vọng vươn lên của Bình Phước. Bình Phước không chỉ vượt lên chính mình mà phải nỗ lực gấp nhiều lần để có thể sánh kịp với các tỉnh, thành khác.

Với quyết tâm chính trị đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 về CĐS đến năm 2025. Trên cơ sở nghị quyết được ban hành, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã bám sát, xây dựng lộ trình cụ thể, xác định rõ nhiệm vụ, phần việc ưu tiên và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Các sở, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương đều được tỉnh giao nhiệm vụ, động viên, khích lệ và hỗ trợ CĐS; đăng ký đảm nhận những phần việc, nội dung về CĐS. Công tác CĐS thường xuyên được kiểm tra, đánh giá, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, thông suốt từ trên xuống.

Các dự án về công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư bài bản, phát huy hiệu quả nguồn lực như “bộ não số” IOC, trung tâm hành chính công các cấp. Từ năm 2020, Bình Phước triển khai mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh giúp người dân khai thác dữ liệu nhanh, tiện lợi. Trong phát triển kinh tế số và xã hội số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS”; đẩy mạnh CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và tổ chức trong tỉnh đều thực hiện khai thuế điện tử; hóa đơn điện tử; thí điểm mô hình chợ 4.0 ở nhiều địa phương… Những kết quả đó đều đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Trung tâm điều hành thông tin, VNPT Bình Phước có nhiệm vụ giám sát, cảnh báo sự cố liên quan các hệ thống viễn thông toàn tỉnh

Trung tâm điều hành thông tin, VNPT Bình Phước có nhiệm vụ giám sát, cảnh báo sự cố liên quan các hệ thống viễn thông toàn tỉnh

Đối với trục thông minh, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được trang bị mạng nội bộ (LAN), kết nối internet để triển khai các ứng dụng phục vụ công việc; mạng số liệu chuyên dùng được kết nối từ cấp tỉnh đến cấp xã; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) được xây dựng trục liên thông, tích hợp và chia sẻ liên thông 4 cấp phần mềm quản lý văn bản. Hệ thống thông tin một cửa điện tử được triển khai đồng bộ cả phần cứng, phần mềm xây dựng tại 100% UBND cấp huyện, xã, góp phần hiện đại hóa, công khai, minh bạch hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính.

Điều đáng nói, triển khai CĐS, Bình Phước xác định lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ. Công tác tuyên truyền là trọng tâm, xuyên suốt bởi để CĐS thành công điều tiên quyết là thay đổi tư duy, nhận thức không chỉ cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ mà cả người dân để có sự vào cuộc đồng bộ. Nhằm hỗ trợ, hướng dẫn người dân, nhất là ở vùng sâu, xa sử dụng các nền tảng số, tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, ấp, tổ dân phố. Các tổ gồm những thành viên nòng cốt là đoàn viên thanh niên “đi từng ngõ, gõ từng nhà” trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng số cho người dân. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ xử lý dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh đạt 99,93%; cấp huyện từ 49,94% tăng lên 99,90%; cấp xã cũng tăng từ 87% lên 98,79%... đặc biệt là từ sau khi triển khai chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm.

Xếp hạng DTI năm 2021, Bình Phước đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020. Trong đó, chính quyền số cấp tỉnh, Bình Phước xếp thứ 8/63 tỉnh, thành; kinh tế số cấp tỉnh xếp thứ 14/63; xã hội số cấp tỉnh xếp thứ 15/63. Ngoài Bình Phước, 9 tỉnh, thành phố còn lại trong top 10 là TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định: Xếp hạng DTI có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về sự phục vụ của các cơ quan hành chính tỉnh; phản ánh hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.

Bình Phước đứng thứ 9 cả nước về chỉ số DTI

Bình Phước đứng thứ 9 cả nước về chỉ số DTI

Hành trình không có điểm dừng

Tại hội nghị phân tích, đánh giá chuyên sâu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và huyện, thị xã, thành phố (DDCI) vừa diễn ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, những kết quả về CĐS của tỉnh thời gian gần đây mới chỉ là bước đầu, tỉnh còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm, cần quyết tâm cao hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Để CĐS tiếp tục diễn ra toàn diện, cần lựa chọn lĩnh vực, nội dung ưu tiên, thiết yếu, phù hợp thực tế của từng ngành, địa phương, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để đạt kết quả cao nhất.

Đoàn thanh niên huyện Bù Đăng hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công để nộp hồ sơ trực tuyến, giúp người dân tiếp cận công nghệ số

Đoàn thanh niên huyện Bù Đăng hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản dịch vụ công để nộp hồ sơ trực tuyến, giúp người dân tiếp cận công nghệ số

Xác định CĐS là một lộ trình, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, cả nước đang trong tiến trình CĐS ngày càng nhanh và mạnh mẽ, tỉnh, thành nào cũng tập trung cao độ cho công tác này. Vì vậy, để có kết quả lần đầu trong top 10 tỉnh/thành dẫn đầu về chỉ số DTI 2021, Bình Phước đã có những giải pháp, bước đi táo bạo, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong thực hiện CĐS trên cơ sở triển khai hiệu quả chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ về CĐS. Tuy nhiên, kết quả về CĐS của tỉnh thời gian gần đây mới chỉ là bước đầu, Bình Phước đang phát động các phong trào thi đua để CĐS tiếp tục diễn ra toàn diện, trong đó tập trung đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh. Đầu tư, phát triển hạ tầng số, nền tảng số, sẵn sàng thử nghiệm các giải pháp, công nghệ mới nhằm đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy nhanh tiến trình CĐS.

Bình Phước xác định rõ, đi đúng lộ trình đã vạch ra để đạt mục đích là lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, từ đó đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhất là vào chuyển đổi số doanh nghiệp; đảm bảo an toàn thông tin, dữ liệu; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nhằm hình thành các mô hình kinh doanh, sản xuất sản phẩm, dịch vụ mới, từng bước ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để tăng tiện ích và thu hút người dân sử dụng…

Trước yêu cầu của CĐS đang diễn ra trên toàn cầu, CĐS trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Bình Phước xác định rõ điều đó và đang đi đúng lộ trình đã vạch ra để đạt mục đích là lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và sự phát triển toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Mỗi địa phương CĐS thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của CĐS quốc gia.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/502/135872/binh-phuoc-trong-top-10-tinh-thanh-dan-dau-ve-chuyen-doi-so-nguoc-dong-de-but-pha