Binh sĩ Trung Quốc tập phóng tên lửa bằng thực tế ảo
Lực lượng tên lửa Trung Quốc đang sử dụng thực tế ảo để huấn luyện binh sĩ. Động thái trên giúp việc tập luyện được duy trì thường xuyên hơn song lại tiết kiệm chi phí hơn.
Tờ PLA Daily ngày 18/3 đưa tin Lực lượng tên lửa chiến lược và chiến thuật của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đang sử dụng công nghệ trên làm “bãi tập ảo” cho quân đội.
Chỉ huy tiểu đoàn Sun Yingjiu cho biết công nghệ đã giúp cải thiện chất lượng chương trình huấn luyện rõ rệt. Ông chỉ huy này chia sẻ: “Bạn có thể thực hành việc phóng tên lửa mà không cần lắp đặt thực tế và bạn có thể thực hành các chiến thuật mà không cần rời khỏi căn cứ”.
Với nền tảng huấn luyện thực tế ảo mới, các binh sĩ lực lượng tên lửa có thể thực hành chỉ huy, tác chiến và hỗ trợ trong môi trường tương đồng với kịch bản của thế giới thực. Theo báo cáo, công nghệ này cũng đã biến các cuộc tập trận tên lửa quy mô lớn trước đây thành các cuộc huấn luyện yên tĩnh và hiệu quả cao.
Trên thực tế, một cuộc tập trận phóng tên lửa tiêu chuẩn cần sự tham gia của hàng nghìn nhân viên. Những thiết bị lớn cồng kềnh sẽ được vận chuyển đến trường huấn luyện, khiến cho tần suất tập luyện bị hạn chế. Nhưng với "bãi tập ảo", mọi thứ đều được mô phỏng để binh lính có thể sử dụng nó để huấn luyện thường xuyên hơn.
Bắc Kinh muốn chuyển đổi lực lượng quân đội nước này thành một lực lượng chiến đấu hiện đại, với trọng tâm là tiên tiến hơn về mặt công nghệ. Giống như các quân đội khác trên thế giới, quân đội Trung Quốc đã và đang sử dụng tập trận mô phỏng và huấn luyện ảo để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Vào tháng 12/2020, PLA Daily đưa tin các tân binh lính dù ở Trung Quốc đã hoàn thành thành công khóa huấn luyện nhảy dù sử dụng thực tế ảo.
Lính dù Zhang Chuxuan chia sẻ với PLA Daily rằng anh đã sử dụng hệ thống đào tạo mô phỏng để học các kỹ năng và lý thuyết cơ bản. Zhang nói: “Huấn luyện trên không bằng thực tế ảo rất linh hoạt trong mô phỏng hoạt động cất cánh và hạ cánh, cũng như một số tình huống khẩn cấp và đem lại những trải nghiệm rất thực tế”.
Nhà bình luận quân sự Song Zhongping ở Hong Kong cho biết công nghệ này không chỉ giúp các cuộc tập trận quân sự hiệu quả hơn mà còn giúp tiết kiệm ngân sách huấn luyện. Ông Song nói: “Ví dụ, Trung Quốc rất coi trọng các cuộc tập trận chung giữa các lực lượng vũ trang, nhưng trên thực tế, một cuộc tập trận có sự tham gia của lục quân, hải quân và không quân rất phức tạp và tốn nhiều thời gian. Tuy nhiên, mô phỏng trên máy tính có thể đạt được hiệu quả tương tự trong khi tiết kiệm được cả nhiên liệu và chi phí”.