Bình Sơn từ mùa thu xưa
Mùa thu tháng 8/1945, ở Bình Sơn, người dân theo Đảng vùng lên chiếm phủ đường, ra mắt chính quyền cách mạng, góp phần làm nên Khởi nghĩa Tháng Tám ở Quảng Ngãi. Còn mùa thu nay, Bình Sơn đang trên đường hoàn thành huyện nông thôn mới và phấn đấu để năm 2025 trở thành thị xã.
Ký ức ngày thu tháng Tám
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Tấn Tỏa khi còn sống, thường xúc động kể về những ngày tháng Tám năm 1945. Ông kể, ngày đó, khí thế ngút trời. Chiều ngày 14/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi phát lệnh khởi nghĩa ở làng Thi phổ Nhất (Mộ Đức). Sáng ngày 15/8/1945, ở phủ Bình Sơn, theo chỉ đạo của Ủy ban khởi nghĩa, nhân dân trong phủ đã nổi dậy với cờ, băng rôn, biểu ngữ tiến về chiếm trụ sở của chính quyền thực dân, phong kiến, thu giữ sổ sách, triện đồng (con dấu). Tri phủ Bình Sơn người Quảng Nam hốt hoảng chạy trốn về quê.
Cùng với các tổng trong đất liền, Ủy ban Khởi nghĩa phủ Bình Sơn cử cán bộ phối hợp với một bộ phận của du kích Ba Tơ ra đảo Lý Sơn để giành chính quyền nơi đất đảo. Ở phía bắc cầu Châu Ổ có chốt của phát xít Nhật, nên du kích Ba Tơ phối hợp với lực lượng tự vệ cứu quốc tiến đánh. Đến ngày 18/8/1945, quân Nhật phải rút chạy về TX.Quảng Ngãi và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Bình Sơn được thành lập, tổ chức mít tinh ra mắt trước toàn dân. Đồng thời đổi tên phủ Bình Sơn thành phủ Nguyễn Tự Tân- nhà yêu nước, lãnh đạo phong trào Cần Vương ở Quảng Ngãi.
Đến ngày 30/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức mít tinh mừng chiến thắng và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Lê Trung Đình. Chính quyền cách mạng phủ Bình Sơn, Sơn Tịnh cử đại diện cùng với nhân dân về sân vận động Diên Hồng (TX.Quảng Ngãi) dự mít tinh. Những ngày thu ấy đi vào lịch sử huyện Bình Sơn với những trang sử vàng về tinh thần yêu nước, đấu tranh giành độc lập dân tộc. Để rồi sau đó, Đảng bộ, nhân dân huyện Bình Sơn đi qua những tháng năm dài của cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và 21 năm chống Mỹ, cứu nước, ngời sáng với chiến thắng Vạn Tường vào ngày 18/8/1965...
Chuyển mình trên đất khó
Khác với nhiều huyện trong tỉnh, huyện Bình Sơn núi chập chùng, chạy dài ra phía biển. Anh hùng lực lượng vũ trang Phạm Dậu, nguyên Xã đội trưởng du kích Bình Hòa từng bộc bạch, trong chiến tranh, mơ một ngày chiến thắng để về đi cày trên cánh đồng làng. Lúc mệt mỏi thì nằm xoài ra bờ ruộng đánh một giấc ngon lành. Những ước mơ trong chiến tranh thật bình dị. Còn thực tế, sau hòa bình thì đất này đã quá đổi thay.
Biết bao lần trên đường công tác, tôi theo con đường Võ Văn Kiệt về các xã vùng Đông huyện Bình Sơn, như: Bình Trị, Bình Đông, Bình Thuận, Bình Hải, Bình Hòa. Câu chuyện về một thời mở cõi của vua Lê Thánh Tông với những địa danh còn mãi đến bây giờ như Tổng binh- nơi đặt bản doanh của vua Lê (nay là thôn Phước Thiện, xã Bình Hải), giếng Vương để lấy nước cho đoàn quân ở thôn Thanh Thủy, rồi Vạn Tường với cuộc duyệt binh của vua Lê... như sống dậy trong lòng. Từ khi Nhà nước đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cảng nước sâu và KKT Dung Quất, vùng đất này đã thay da đổi thịt. Cuộc sống của người dân khá dần lên.
Còn ở vùng ven sông Trà Bồng lắng đọng phù sa, xưa trồng mía, giờ là những cánh đồng rau màu xanh ngát. Thị trấn Châu Ổ nay mở rộng qua bờ bắc cầu Châu Ổ thuộc Bình Trung xưa, mở rộng về hướng xã Bình Long. Rồi khu dân cư Đông Nam, khu dân cư bờ Bắc sông Trà Bồng hình thành nên thị trấn càng thêm bề thế. Dòng sông Trà Bồng xưa nối thị trấn Châu Ổ với xã Bình Trung, giờ nằm giữa lòng thị trấn. Con đường ven sông được hình thành và mang tên Tế Hanh để tôn vinh nhà thơ của quê hương.
Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Võ Văn Đồng cho biết, Bình Sơn có lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất. Người Bình Sơn cần cù, chịu khó. Để Bình Sơn phát triển cần nêu cao quyết tâm chính trị của Đảng bộ và nhân dân với rất nhiều việc phải làm. Trong đó, gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của hôm qua, hôm nay để xây dựng tương lai ngày một tốt đẹp hơn. Tháng 10/2023, Huyện ủy Bình Sơn đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Bình Sơn giàu đẹp - văn minh - nghĩa tình”, để cùng góp tiếng nói chung trong việc xây dựng quê hương Bình Sơn ngày càng phát triển.
Huyện Bình Sơn đã tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giới thiệu, quảng bá về di tích thắng cảnh trên địa bàn. Huyện cũng đã thành lập đoàn công tác đến TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh theo chương trình kết nối tình quê, thông báo về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đến những người con của Bình Sơn xa quê để hy vọng cùng góp thêm tiếng nói, thêm nguồn lực để huyện nhà phát triển.
Đến tháng 8/2024, toàn bộ 21 xã, thị trấn đều đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện ủy Bình Sơn chỉ đạo rà soát tất cả những tiêu chuẩn đề trình UBND tỉnh công nhận là huyện nông thôn mới trong năm 2024 và phấn đấu lên thị xã Bình Sơn vào năm 2025.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202408/binh-son-tu-mua-thu-xua-7cd1dff/