Bình Thuận cấp căn cước công dân cho phạm nhân đặc xá dịp 30-4
Ngoài việc được tư vấn kiến thức pháp lý, Trại tạm giam Công an Bình Thuận còn phối hợp cấp căn cước công dân cho phạm nhân trước khi được đặc xá.
Ngày 12-4, Thượng tá Lê Minh Hoàng, Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, trong đợt đặc xá vào ngày 30-4 sắp tới, Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận có 16 phạm nhân đủ điều kiện trở về với gia đình.

Tuyên truyền các kiến thức pháp luật cho các phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và chuẩn bị được đặc xá.
Ngoài ra Trại tạm giam Công an tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho các phạm nhân chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù và cấp căn cước công dân cho những phạm nhân được đặc xá vào đợt 30-4-2025.
Theo Trại tạm giam Công an Bình Thuận, trong nỗ lực tái hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân sau khi hoàn thành án phạt tù, công tác tuyên truyền và giáo dục pháp luật đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là giúp họ chuẩn bị cho một cuộc sống mới, trở về với gia đình và xã hội.
Đặc biệt, đối với những phạm nhân sắp được đặc xá hoặc tha tù trước thời hạn, việc cung cấp các kiến thức pháp lý và hỗ trợ làm thủ tục hành chính, như cấp lại căn cước công dân, sẽ giúp họ dễ dàng tái hòa nhập và ổn định cuộc sống sau khi trở về.
Được biết, trong hai tháng cuối trước khi hoàn thành án phạt hoặc sau khi có kết quả thẩm định nhất trí đề nghị đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan có thẩm quyền, phạm nhân sẽ được tư vấn các chủ trương, chính sách về tái hòa nhập cộng đồng và hướng dẫn về quyền và nghĩa vụ của công dân.

Công an vào Trại tạm giam làm thủ tục cấp căn cước công dân cho những phạm nhân chuẩn bị được đặc xá.
Nội dung tuyên truyền bao gồm các kỹ năng sống như biết hướng thiện, trung thực, khoan dung và xây dựng trách nhiệm trong cuộc sống. Các vấn đề như sức khỏe, gia đình, phòng chống ma túy và HIV/AIDS cũng được đưa vào chương trình, giúp phạm nhân có cái nhìn toàn diện về cuộc sống mới sau khi ra tù.
Cùng với đó, Trại tạm giam Công an Bình Thuận còn chủ động phối hợp với công an xã để hướng dẫn các phạm nhân làm thủ tục đăng ký thường trú và cấp lại căn cước công dân. Đây là một bước quan trọng giúp các phạm nhân khôi phục quyền lợi của mình và tạo điều kiện thuận lợi để họ hòa nhập cộng đồng. Việc có được căn cước công dân giúp họ có giấy tờ hợp pháp, mở ra cơ hội tìm kiếm việc làm và xây dựng lại cuộc sống.
“Chương trình tuyên truyền và hỗ trợ của Trại tạm giam Công an Bình Thuận đã giúp các phạm nhân nhận thức rõ ràng hơn về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong xã hội. Nhiều người đã xóa bỏ được mặc cảm, tự ti, tự tin hướng đến một tương lai tươi sáng. Những kỹ năng sống, như giải quyết mâu thuẫn, xây dựng ý chí và niềm tin, sẽ giúp họ ổn định cuộc sống và tránh tái phạm. Họ đã sẵn sàng trở về với gia đình, có việc làm ổn định và sống có ích cho cộng đồng”, Thượng tá Lê Minh Hoàng chia sẻ.
Công tác này không chỉ là một phần trong chiến lược tái hòa nhập cộng đồng mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc của hệ thống pháp luật Việt Nam. Những phạm nhân được hỗ trợ tái hòa nhập sẽ không chỉ làm lại cuộc đời, cam kết không tái phạm mà còn góp phần xây dựng một xã hội văn minh và nhân ái.