Bình Thuận có thêm một bảo vật được công nhận bảo vật quốc gia đợt 13

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định công nhận bảo vật quốc gia (Đợt 13) năm 2024. Trong 33 bảo vật đợt này, Bình Thuận có thêm 1 bảo vật đó là Tượng Avalokitesvara Bắc Bình niên đại Thế kỷ VIII - IX; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Thuận. Như vậy đây là bảo vật quốc gia thứ 2 của tỉnh được công nhận sau Linga vàng phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ tại tháp Pô Dam (xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong).

Tượng Avalokitesvara Bắc Bình

Tượng Avalokitesvara Bắc Bình

Tượng Avalokitesvara Bắc Bình là hiện vật văn hóa Chăm, được chế tác từ đá sa thạch hạt mịn (đá granite hạt nhỏ) màu xám đen, chiều cao 61cm, trọng lượng 13kg, có niên đại thế kỷ VIII - IX. Tượng được người dân tình cờ phát hiện trong quá trình làm nương rẫy tại khu vực thôn Thanh Kiết, xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình, từ trước năm 1945. Năm 1996, tượng Avalokitesvara được người dân đem chôn giấu trong vườn nhà. Đến năm 2001, ông Ngô Hiếu Học ở thôn Hồng Chính, xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, trong quá trình đào móng xây trụ cổng đã phát hiện pho tượng này và bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

Tượng Avalokitesvara Bắc Bình mang đầy đủ các đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc Champa và có những ảnh hưởng rõ nét từ nghệ thuật điêu khắc đá của miền hạ lưu châu thổ sông Mê Kông, cụ thể là phần vòm cung đỡ phía sau hình chữ U. Đây là một trong những đại diện tiêu biểu cho quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ của của yếu tố văn hóa ngoại sinh, cụ thể là văn hóa Ấn Độ đã ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa Champa, có tính độc đáo riêng, là một tư liệu lịch sử quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử nghệ thuật - tôn giáo của văn hóa Champa, tiêu biểu cho quá trình phát triển mang tính chất chuyển biến từ phong cách nghệ thuật tạo hình giai đoạn thế kỷ VIII - IX sang giai đoạn phát triển đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình văn hóa Champa gắn với phong cách nghệ thuật Trà Kiệu (thế kỷ IX) và phong cách nghệ thuật Đồng Dương (thế kỷ IX - X). Tượng mang yếu tố Phật giáo, bên cạnh Hindu giáo vốn được xem là tôn giáo chính trong văn hóa Champa, thể hiện mối quan hệ, giao lưu giữa Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á nói chung và miền đất Nam Trung bộ nói riêng trong nửa cuối thiên niên kỷ I Công nguyên.

Tượng Avalokitesvara Bắc Bình là một tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc tôn giáo của phần đất phía Nam (Miền Kauthara) trong không gian văn hóa Champa. Đó là sản phẩm của quá trình hội tụ các thành tố ngoại sinh và nội sinh, từ kỹ thuật chế tác đá, nghệ thuật tạo hình cho đến triết lý tôn giáo, tạo nên một sản phẩm vừa đáp ứng nhu cầu thờ cúng, vừa đem lại giá trị mỹ thuật rất cao trên hiện vật, sự trang nghiêm trong một tổng thể bố cục cân đối mà không làm mất đi đường nét mềm mại và sống động, vốn là một trong những đặc trưng nổi bật của nền nghệ thuật tạo hình Champa.

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/binh-thuan-co-them-mot-bao-vat-duoc-cong-nhan-bao-vat-quoc-gia-dot-13-127037.html