Bình Thuận: Du lịch tăng trưởng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh
Bình Thuận sở hữu tới 192km bờ biển, trong đó có khá nhiều bãi biển đẹp và lam danh thắng cảnh nổi tiếng như: Dinh Thầy Thím, Núi Tà Cú, Hải đăng Kê Gà, tháp Pô Sah Inư… Bình Thuận còn có ẩm thực đa dạng, phong phú với nhiều món ăn mang đậm nét văn hóa địa phương. Đặc biệt, là tỉnh nổi tiếng về du lịch nên có mức tăng trưởng khá tốt về nguồn khách du lịch.
Thế mạnh du lịch
Theo báo cáo của tỉnh Bình Thuận, năm 2019 địa phương đã đón hơn 6,4 triệu lượt khách du lịch (tăng 11,39% so với 2018), trong đó khách quốc tế khoảng 775.000 lượt và doanh thu từ khách du lịch đạt 15.110 tỷ đồng (tăng 17,5% so với năm 2018). Nguồn khách quốc tế đến Bình Thuận chủ yếu từ Trung Quốc 25,1%, Nga 20,07%, Hàn Quốc 8,36%, Đức 6,39%, Thái Lan 4,9%, Anh 3,91%, Mỹ 3,34%, Hà Lan 2,76%.
Tổng số dự án trên địa bàn còn hiệu lực là 383, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 59.618 tỷ đồng, trong đó có 24 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 13.071 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tỉnh Bình Thuận, các resort từ 3 - 5 sao tập trung nhiều ở Phan Thiết, Mũi Né. Còn các khu vực khác của tỉnh mặc dù sở hữu nhiều bờ biển đẹp như biển Kê Gà – Tân Thành (huyện Hàm Thuận Nam) nhưng hiện còn thiếu hụt các dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, chủ yếu là các resort 3 sao do chưa đẩy mạnh du lịch.
Còn theo đánh giá từ các đơn vị lữ hành, hiện khu vực Kê Gà có môi trường sạch, thoáng, bãi biển hoang sơ nhất tỉnh Bình Thuận. Nơi đây rất phù hợp với các khu resort, khách sạn cao cấp.
Giao thông thuận tiện “mở đường” cho du lịch Kê Gà
Những công trình hạ tầng giao thông như sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu… sẽ tạo thành 1 hệ thống kết nối vùng với Bình Thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bình Thuận còn có các định hướng quy hoạch trong tương lai khá đồng đều như Điều chỉnh Quy hoạch chung toàn tỉnh, xây dựng hoàn chỉnh tiêu chí đô thị loại II và hướng đến đô thị loại I vào năm 2030, quy hoạch hệ thống giao thông nội tỉnh thống nhất, hiện đại, đồng bộ và liên hoàn.
Các dự án tỷ đô đang được gấp rút triển khai tại địa phương như dự án khí điện với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD, được đặt tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam. Tổng công suất nhà máy sau khi hoàn thành vào năm 2023-2025 dự kiến đạt mức 3200MW.
Dự án Khu công nghiệp – dịch vụ - đô thị Becamex Vsip có tổng quy mô lên đến 5.000ha với định hướng phát triển là một vùng đô thị gắn kết hài hòa giữa công nghiệp và dịch vụ đô thị, thúc đẩy không gian đô thị và kinh tế - xã hội khu vực ven biển phía Nam tỉnh Bình Thuận.
Năm 2013, tỉnh Bình Thuận đã chính thức gỡ bỏ dự án cảng biển nước sâu Kê Gà, điều đó đã “đánh thức” hàng loạt các dự án tại khu vực Kê Gà – khu vực nổi tiếng Bình Thuận. Chính vì thế, hàng loạt dự án bất động sản lớn đã được triển khai tại đây.
Bất động sản du lịch Bình Thuận nổi tiếng tăng trưởng tốt
Hiện thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam đang có mức tăng trưởng lớn bậc nhất Đông Nam Á. Việt Nam dự đoán sẽ đón 21 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2025 là 32 triệu lượt và tăng lên 47 triệu lượt vào năm 2030.
Ngoài các thị trường truyền thống như: Phú Quốc, Cam Ranh, Đà Nẵng... nhiều vùng trũng đầu tư mới xuất hiện như Bình Thuận, Ninh Thuận, Quy Nhơn… Khu vực này liên tục “cán đích” mức tăng trưởng du lịch nhanh trên 15%-20%/năm, có quỹ đất sạch hướng biển để phát triển các sản phẩm du lịch đột phá, hạ tầng du lịch quy mô lớn... Nhờ đó trở thành hấp lực với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn.
Đi theo sự sôi động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, hàng loạt các mô hình mới ra đời như: Mô hình Đô thị du lịch biển, Khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort), Aparthotel… mang đến nhiều xu hướng trải nghiệm khác biệt. Đây đang được xem là hướng đi mới của sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam hiện tại, đón đầu nhu cầu tăng chất lượng trải nghiệm của du khách.
Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư năm 2019, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu tỉnh Bình Thuận tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, có cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp chiến lược để tạo động lực cho tỉnh phát triển nhanh, bền vững và không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Do đó, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030, sẽ trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, thu hút khoảng 14 triệu lượt khách, tăng hơn 8 triệu lượt so với hiện tại.