Bình Thuận: Hành trình và dấu ấn cho 50 năm phủ xanh miền cát trắng
Từ một vùng đất bị tàn phá bởi chiến tranh cộng với ngành nông nghiệp lạc hậu, nhưng trải qua 50 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, cùng với sự quyết tâm của mọi tầng lớp nhân dân, Bình Thuận đã trở thành một tỉnh có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ cả về nông nghiệp, du lịch và thương mại.Tối 19/4, tại Nhà văn hóa và triển lãm văn hóa nghệ thuật tỉnh, Tỉnh Ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh Bình Thuận đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng (19/4/1975 – 19/4/2025).

Đại biểu có mặt tại Lễ kỷ niệm
Đến dự và chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.
Lễ kỷ niệm là dịp để ôn lại quá khứ hào hùng của quân và dân Bình Thuận, cũng như các đơn vị quân giải phóng tham gia đánh địch, giải phóng toàn tỉnh Bình Thuận 50 năm trước.
Cách đây 50 năm, ngày 18/4 Lực lượng Quân giải phóng gồm Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 Quân khu 5, thuộc Cánh quân Duyên Hải ồ ạt tấn công và làm chủ toàn bộ Phan Rí, Tuy Phong, Sông Mao, Hòa Đa và áp sát Phan Thiết.
Ở phía sông Cái, Trung đoàn 812 của Quân khu 6 phối hợp với Trung đoàn 18 của Quân đoàn 2 đột phá phòng tuyến, đánh vào bên trong thị xã, đến 22 giờ ngày 18/4, Quân giải phóng hoàn toàn làm chủ thị xã Phan Thiết, và đến ngày 19/4/1975 toàn tỉnh Bình Thuận được giải phóng. Kể từ đó, một chương mới được mở ra trên vùng đất cát đầy nắng và gió biển này.
Trong phần phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận đã nhấn mạnh đến những thành công mà Bình Thuận đã đạt được trong 50 năm qua. Đặc biệt là giai đoạn sau 33 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (từ năm 1992), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, sự giúp đỡ của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Bình Thuận đã nỗ lực vươn lên từ một tỉnh nghèo, kinh tế kém phát triển, thu ngân sách thấp, kết cấu hạ tầng yếu kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nay đã phát triển khá toàn diện.
Tốc độ tăng trưởng GRDP hàng năm luôn đạt ở mức khá; đến cuối năm 2024, quy mô nền kinh tế tỉnh Bình Thuận gấp hơn 33 lần so với thời điểm tái lập tỉnh (năm 1992), đạt hơn 128,7 nghìn tỷ đồng, xếp vị trí thứ 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 101,7 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 58,9 triệu đồng, gấp 43,6% so với năm 1992. Hạ tầng được chú trọng đầu tư, giao thông đối nội và đối ngoại được kết nối thông suốt với các loại hình đường bộ (trong đó có đường bộ cao tốc), đường sắt, đường thủy và sắp tới là đường hàng không. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc.

Một Khu công nghiệp của Bình Thuận hiện nay. Ảnh: Duy Tuấn
Bình Thuận, một trong những vùng đất khô hạn nhất cả nước nhưng hiện đã phát triển mạnh về nông nghiệp do được đầu tư đúng về công tác thủy lợi, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ, thay đổi hoàn toàn ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có các hệ thống thủy lợi được nối mạng với hàng trăm công trình hồ, đập, kênh, với tổng dung tích các hồ chứa 1.138 triệu m3; cơ bản chủ động được nước tưới trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống thủy lợi phát triển đã giúp sản xuất nông nghiệp khởi sắc, đời sống người nông dân được nâng cao rõ rệt. Nhiều sản phẩm chủ lực của Bình Thuận như thanh long đã tạo nên thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi mạnh từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hình thành nhiều hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp của tỉnh đang trên đà phát triển ngày càng hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nuôi, trồng, đánh bắt thủy hải sản được tiếp tục duy trì và đóng góp ngày hiệu quả hơn cho kinh tế địa phương.

Bí thư tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm
Trong 10 năm gần đây, Bình Thuận đã đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tập trung phát triển 03 trụ cột kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.
Bên cạnh sự phát triển về nông nghiệp thì ngành công nghiệp đã trở thành lĩnh vực đóng góp lớn nhất cho kinh tế của tỉnh, mà trọng tâm là công nghiệp năng lượng, trong đó có năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có 48 nhà máy phát điện với các loại hình nhiệt điện, thủy điện, phong điện, quang điện cung cấp sản lượng 31,6 tỷ kWh/năm, với tổng công suất nguồn phát điện hiện nay là 6.520 MW, chiếm tỷ lệ 8% công suất nguồn phát điện của cả nước. Trong những năm gần đây, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, đặc biệt là các dự án Kho cảng LNG Sơn Mỹ, Nhà máy điện khí LNG Sơn Mỹ I, Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW và tổng vốn đầu tư hơn 128 nghìn tỷ đồng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm năng lượng lớn nhất của quốc gia với tổng công suất nguồn phát điện đến năm 2030 trên 11 nghìn MW.

Hình ảnh một nhà máy gạch của Bình Thuận thời kỳ chưa đổi mới. Ảnh tư liệu tại Triển lãm ảnh Bình Thuận
Riêng với ngành du lịch, Bình Thuận bắt đầu chặng đường phát triển và đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với sự đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã thu hút nhiều nhà đầu tư có năng lực đến với Bình Thuận. Điểm nhấn cho sự phát triển du lịch Bình Thuận là chuỗi hoạt động của Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh”. Khu du lịch Quốc gia Mũi Né đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế. Bình quân những năm gần đây, Bình Thuận đón gần 10 triệu lượt khách với doanh thu du lịch đạt khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, nằm trong top 10 địa phương có số lượng du khách và doanh thu du lịch cao nhất cả nước.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Bình Thuận đạt được trong 50 năm qua. Phó Thủ tướng cũng quan tâm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp theo đúng Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 14/4/2025 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, phát huy dân chủ và tăng cường đoàn kết trong toàn Đảng bộ. Quyết liệt thực hiện và hoàn thành sớm chủ trương của Trung ương về sắp xếp, tổ chức lại bộ máy và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Lễ kỷ niệm khép lại với nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật cùng với màn bắn pháo hoa tầm cao đã thu hút hàng ngàn người dân đến xem.