Bình Thuận: Ký kết phát triển dự án điện gió ngoài khơi trị giá hàng tỷ USD
Biên bản ghi nhớ (MOU) phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, với tổng công suất lên đến 3,5 GW đã được Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), thay mặt Quỹ Thị trường Mới I, cùng Asiapetro và Novasia Energy ký kết với UBND tỉnh Bình Thuận ngày 22/7 trong Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam năm 2020.
Là nhà đầu tư và phát triển dự án hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, Copenhagen Insfrastructure Partners đã huy động được hơn 10 tỷ USD từ các quỹ chuyên đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, bao gồm cả quỹ mới nhất CI IV, tổ chức được kỳ vọng sẽ trở thành quỹ dành cho các dự án năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Với Quỹ Thị trường Mới I, CIP đặc biệt hướng vào các nền kinh tế mới đang phát triển nhanh, mà trọng tâm hiện tại chính là thị trường Việt Nam.
Với công suất tiềm năng lên đến 3,5 GW, dự án điện gió ngoài khơi La Gàn là một trong những dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam. Dự án có thể nâng cao vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trong khu vực cũng như trên thế giới.
Đánh giá về việc ký kết này, ông Kim Højlund Christensen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - chia sẻ: Các phát hiện từ dự án hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Việt Nam cho thấy Việt Nam có đến 160 GW tiềm năng điện gió ngoài khơi có thể khai thác. Điều này đã đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong danh sách các thị trường điện gió ngoài khơi tiềm năng. Việt Nam cần học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các nước khác để có thể gặt hái được những lợi ích mà điện gió ngoài khơi mang lại.
Ông Kim Højlund Christensen cho biết, Đan Mạch mong muốn tiếp tục được chia sẻ những kiến thức, bí quyết và công nghệ tiên tiến để hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh với chi phí hiệu quả nhất.
Theo ông Michael Hannibal, thành viên sáng lập CIP, với dự án này, CIP cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác tại địa phương để biến dự án này thành một hình mẫu của dự án chuyển giao công nghệ thành công song song với việc sử dụng tối đa các nguồn lực và chuyên môn tại địa phương.
Với chi phí vốn ước tính lên tới 10 tỷ USD, dự án được hy vọng sẽ tạo ra nguồn thu nhập và việc làm đáng kể cho cả tỉnh Bình Thuận và Việt Nam. Sự hợp tác thành công giữa CIP, Asiapetro, Novasia Energy và Bình Thuận trong dự án này cũng có thể sẽ là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác vào các dự án gió ngoài khơi tại Việt Nam.