Bình Thuận lấy ý kiến cử tri việc sáp nhập các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông
Bình Thuận triển khai lấy ý kiến của cử tri đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, đại diện hộ gia đình đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Theo đó, triển khai Kết luận số 137-KL/TW, ngày 28-3-2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp cùng các nghị quyết, kế hoạch, công văn liên quan, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình đối với chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Cụ thể lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; đại diện hộ gia đình là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có khả năng đại diện được cho các thành viên hộ gia đình.
Nội dung lấy ý kiến UBND tỉnh tổ chức lấy ý kiến 2 nội dung: Chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ở đơn vị hành chính mà cử tri chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Hình thức lấy ý kiến được thực hiện bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến theo từng địa bàn thôn, khu phố.
UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức in phiếu lấy ý kiến, phát phiếu, thu phiếu và tổng hợp kết quả lấy ý kiến.

UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức in phiếu lấy ý kiến, phát phiếu, thu phiếu và tổng hợp kết quả lấy ý kiến.
UBND các xã, phường, thị trấn căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương có thể tổ chức họp đại diện hộ gia đình để lấy ý kiến; cử cán bộ thôn, khu phố phát phiếu, thu phiếu trực tiếp tại hộ gia đình...
Thời gian lấy ý kiến cử tri từ ngày 18-4-2025 đến hết ngày 20-4-2025. UBND các xã, phường, thị trấn tổng hợp kết quả phiếu lấy ý kiến cử tri trên địa bàn báo cáo HĐND cấp xã và gửi UBND cấp huyện trong ngày 21-4-2025.
UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp kết quả phiếu lấy ý kiến cử tri trên địa bàn báo cáo HĐND cấp huyện và gửi UBND tỉnh (đồng gửi Sở Nội vụ) trong ngày 23-4-2025.

Bản đồ sau sắp xếp các xã, phường tại thị xã La Gi.
Giao Sở Nội vụ hướng dẫn cụ thể việc tổng hợp kết quả phiếu lấy ý kiến cử tri. Tài liệu phục vụ việc lấy ý kiến gồm: Tóm tắt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông và tóm tắt Đề án sắp xếp đơn vị cấp cấp xã.
Kết quả lấy ý kiến cử tri được đăng tải công khai và UBND tỉnh yêu cầu các UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện, đảm bảo việc tổ chức lấy ý kiến cử tri đúng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 17-4, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có thông báo danh sách dự kiến tên gọi các xã, phường, đặc khu và trung tâm hành chính của 45 đơn vị hành chính cấp xã.
Theo đó, từ 121 đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Bình Thuận giảm còn 45 đơn vị với tỷ lệ giảm 62,8%.
Theo tóm tắt Đề án sắp xếp đơn vị hành chính các tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đắk Nông: Thành lập tỉnh Lâm Đồng, trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh gồm tỉnh Lâm Đồng: diện tích tự nhiên 9.781,20 km2, quy mô dân số 1.595.597 người; tỉnh Bình Thuận diện tích tự nhiên 7.942,60 km2, quy mô dân số là 1.531.253 người; tỉnh Đắk Nông diện tích tự nhiên là 6.509,27 km2, quy mô dân số là 746.149 người.
Kết quả sau sắp xếp, đơn vị hành chính tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 24.233,07 km2 (đạt 302,91% so với tiêu chuẩn của tỉnh miền núi, vùng cao; đạt 484,66% so với tiêu chuẩn của tỉnh còn lại); quy mô dân số là 3.872.999 người (đạt 430,33% so với tiêu chuẩn của tỉnh miền núi, vùng cao; đạt 276,64% so với tiêu chuẩn của tỉnh còn lại).
Nơi đặt Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Lâm Đồng là thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay. Việc đề xuất phương án nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông thành 1 tỉnh nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước phù hợp với tình hình mới.
Tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng kinh tế và tăng khả năng tự cân đối ngân sách của cả 3 địa phương: Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông sau khi sáp nhập; góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế…