Bình Thuận: Một gia đình gần 40 năm 'mỏi mòn' đi đòi công lý!

Gần 40 năm bỏ công sức đi đòi quyền lợi theo di nguyện của người cha quá cố, bà Nguyễn Thị Kim Cúc đã được đền đáp. Nhưng tưởng chừng mọi chuyện đã 'ngã ngũ' thì bà lại vướng phải khiếu kiện từ chính những người anh em ruột của mình và cả sự tắc trách của cơ quan chức năng sở tại.

Bà Cúc chỉ tay về mảnh đất được UBND TP Phan Thiết cấp cho mình sau đó ban hành quyết định thu hồi. Ảnh: TS.

Gian nan theo đuổi quyền lợi

Ông Nguyễn Văn Khôi sở hữu mảnh đất tại thôn Tân An, xã Phong Nẫm, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận với diện tích 7,428ha. Ông Khôi là cha đẻ của bà Cúc, bà Mai, bà Thêu, bà Hơn, bà Liễu, ông Nhung, ông Chiêu. Năm 1979, UBND tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận) trưng dụng toàn bộ mảnh đất của ông Khôi giao cho Ty xây dựng Thuận Hải để xây dựng xí nghiệp gạch ngói Thuận Hải. Tuy nhiên, chính quyền lại không thực hiện chính sách bồi thường. Vì thế gia đình ông Khôi phải liên tục phải khiếu nại suốt gần 40 năm.

Trong quá trình khiếu nại, ngày 06/10/2010, ông Khôi ủy quyền cho con gái Nguyễn Thị Kim Cúc thay mặt ông thực hiện việc giải quyết khiếu nại. Đến ngày 04/8/2014, ông Khôi chết, bà Cúc tiếp tục theo đuổi việc khiếu nại.

Thấy việc giải quyết khiếu nại của cha mình kéo dài hơn 30 năm không có kết quả. Việc khiếu nại như “mò kim đáy biển”, vừa mất thời gian lại tổn hao tiền của, nên các anh chị em Cúc không quan tâm nên họ tự nguyện thỏa thuận làm ủy quyền cho bà Cúc việc thực hiện khiếu nại của cha mình.

Theo bà Cúc, “lúc các anh chị làm ủy quyền công chứng để tôi tiếp tục giải quyết khiếu nại, họ còn nói. “mày đi kiện được thì mày hưởng. Lời hứa của họ được cam kết bằng văn bản thỏa thuận lập ngày 25/10/2014 được tất cả các anh chị ký tên vào".

Kiên trì theo đuổi, cuối cùng khiếu nại của bà Cúc đã được giải quyết. Cụ thể, ngày 05/8/2015, Thanh tra Chính phủ ban hành Báo cáo kết luận số 2237/BC-TTCP về việc kiểm tra việc giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Văn Khôi, tỉnh Bình Thuận, trong đó có nội dung: “… kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết khiếu nại của các con ông Khôi theo hướng: Trên cơ sở quỹ đất địa phương, hỗ trợ giao đất cho các con của ông Khôi …”.

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ được Thủ tướng đồng ý ngày 18/9/2015 qua văn bản số 7447/VPCP-V.I. Đến ngày 09/11/2017, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 3184/QĐ-UBND về việc thu hồi đất và giao cho hộ gia đình ông Nguyễn Văn Khôi.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Thuận và Văn bản thỏa thuận do bà Cúc cung cấp thì ngày 22/12/2017, UBND thành phố Phan Thiết đã ban hành 05 quyết định số 8805/QĐ-UBND, 8806/QĐ-UBND, 8807/QĐ-UBND, 8808/QĐ-UBND, 8809/QĐ-UBND về việc giao đất cho bà Nguyễn Thị Kim Cúc 05 lô đất số 17, 18, 31, 32,33 dãy L1, khu tái định cư Đông Xuân An, TP. Phan Thiết.

Công lý cần được thực thi!

Khi thấy bà Cúc được chính quyền cấp các quyết định cấp đất nên ngày 6/1/2018, 4 trong 6 người anh chị của bà Cúc đã làm đơn tố cáo bà Cúc về hành vi giả mạo văn bản thỏa thuận ngày 25/10/2014 để chiếm đoạt tài sản.

Khi nhận được đơn tố cáo bà Cúc, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận lập tức vào cuộc xác minh. Qua điều tra, Cơ quan CSĐT không phát hiện được văn bản thỏa thuận là giả mạo, nhưng lại ban hành Công văn số 910/CQĐT(PC44) ngày 04/5/2018 gửi Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết đề nghị thu hồi các quyết định giao đất cho bà Nguyễn Thị Kim Cúc vì cho rằng văn bản thỏa thuận lập ngày 25/10/2014 vi phạm Luật Công chứng 2006.

Tòa án cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã bác bỏ văn bản của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận.

Từ công văn trên của Cơ quan CSĐT, ngày 22/5/2018, UBND TP. Phan Thiết ban hành Quyết định số 3783/QĐ-UBND hủy bỏ 5 quyết định giao đất đối với bà Cúc.

Nhận thấy việc UBND TP. Phan Thiết ban hành quyết định hủy bỏ trái pháp luật, bà Cúc nộp đơn khởi kiện.

Tại Bản án phúc thẩm số 436/2019/HC-PT ngày 10/7/2019, TAND Cấp cao tại TP. HCM “xét thấy, tại thời điểm UBND TP. Phan Thiết ban hành 5 Quyết định giao đất thì văn bản thỏa thuận lập ngày 25/10/2014 giữa các anh chị em bà Cúc đang có hiệu lực pháp luật. Trên thực tế, bà Cúc đã được ông Khôi ủy quyền thực hiện việc khiếu nại từ năm 2010, lúc này các anh chị em bà Cúc cũng không có ý kiến gì. Sau khi ông Khôi chết, các con của ông Khôi tiếp tục ủy quyền cho bà Cúc thực hiện việc khiếu nại và cùng nhau lập Văn bản thỏa thuận ngày 25/10/2014, được công chứng theo đúng quy định của pháp luật”.

Liên quan đến công văn đề nghị thu hồi các quyết định giao đất cho bà Nguyễn Thị Kim Cúc của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, TAND Cấp cao khẳng định: “Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thành việc “yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” là thuộc thẩm quyền của Tòa án, không thuộc thẩm quyền của Công an tỉnh Bình Thuận”.

Về động cơ, tại sao đến khi bà Cúc nhận được đất thì những người chị mới tố cáo bà Cúc. TAND Cấp cao tại TP.HCM đặt nghi vấn về mặt khách quan, “04 người chị của bà Cúc cho rằng bà Cúc giả mạo chữ ký của mình tại sao trong suốt thời gian từ năm 2014 đến 2018 mới làm đơn tố cáo hành vi của bà Cúc?”

Chính từ những cứ liệu xác thực, TAND Cấp cao tại đã tuyên, hủy Quyết định số 3783/QĐ-UBND ngày 22/5/2018 của UBND TP. Phan Thiết về việc hủy bỏ 5 Quyết định giao đất của UBND TP. Phan Thiết đối với bà Nguyễn Thị Kim Cúc.

Bản án Phúc thẩm số 436/2019/HC-PT của TAND Cấp cao tại TP. HCM có hiệu lực từ ngày 10/7/2019, nhưng không hiểu sao, đến ngày 29/11/2019 Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận lại cho đăng tải thông báo ngăn chặn bản án của Tòa Cấp cao?

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án, tức là ngày 10/7/2019. Tuy nhiên, không hiểu vì sao khi Bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao đã có hiệu lực nhưng trên Trang cơ sở dữ liệu công chứng của Sở Tư pháp lại cho đăng tải thông tin ngăn chặn giao dịch dân sự liên quan đến tài sản là 5 lô đất mà trước đó UBNDTP. Phan Thiết đã cấp cho bà Nguyễn Thị Kim Cúc.

Việc tỉnh Bình Thuận để một vụ việc kéo dài chậm giải quyết; Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận ban hành văn bản đề nghị trái thẩm quyền; UBND TP. Phan Thiết căn cứ vào một văn bản trái thẩm quyền để ban hành quyết định hủy bỏ những quyết định trước đó hay Sở Tư pháp ban hành thông báo ngăn chặn tài sản của người khác, tức là ngăn chặn bản án đã có hiệu lực của TAND Cấp cao… buộc công luận đặt câu hỏi, có hay chăng năng lực cán bộ những cơ quan này có vấn đề hay phía sau đó là những “khuất tất” cần được làm rõ!?

Báo Nhà báo & Công luận sẽ tiếp tục sự việc.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/binh-thuan-mot-gia-dinh-gan-40-nam-moi-mon-di-doi-cong-ly-post78224.html