Bình Thuận: Nhiều 'đất vàng' không qua đấu giá

Ngoài dự án 9,26 ha vừa bị Cơ quan CSĐT khởi tố do sai phạm liên quan quá trình giao đất, còn một số dự án có vị trí đắc địa được tỉnh Bình Thuận giao đất không qua đấu giá

Ngày 12-2, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng giao dịch liên quan dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 - dự án liên quan 5 quan chức đương nhiệm và về hưu của tỉnh vừa bị khởi tố, bắt giam.

Giảm giá để đấu giá

Cùng với đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao các sở, ngành và các địa phương liên quan rà soát các thông tin và tạm dừng giao dịch (biến động) theo quy định pháp luật đối với: các tài sản, bất động sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của các cá nhân được nêu tại Công văn số 394/VPCQCSĐT ngày 10-2-2022 của Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) gửi về Sở Tư pháp để báo cáo trước ngày 16-2.

Trước đó, trong ngày 10-2, Cơ quan CSĐT gửi UBND tỉnh Bình Thuận Công văn số 394/VPCQCSĐT đề nghị rà soát, cung cấp thông tin và tạm dừng giao dịch tài sản, bất động sản phục vụ yêu cầu điều tra đối với vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", xảy ra tại dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18, 19, 20) thuộc quỹ đất hai bên đường 706B, phường Phú Hài, TP Phan Thiết, theo Quyết định khởi tố vụ án số 08/QĐ-VPCQCSĐT của Cơ quan CSĐT.

Dự án của Công ty CP Tân Việt Phát được Bộ Công an xác định áp giá giao đất không đúng, khiến thiệt hại cho ngân sách 71 tỉ đồng

Dự án của Công ty CP Tân Việt Phát được Bộ Công an xác định áp giá giao đất không đúng, khiến thiệt hại cho ngân sách 71 tỉ đồng

Ba lô đất thuộc khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 nằm ở cửa ngõ Khu Du lịch quốc gia Mũi Né được tỉnh Bình Thuận giao đất gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 71 tỉ đồng như thế nào? Theo hồ sơ chúng tôi có được, 3 lô đất này tổng cộng 9,26 ha thuộc dự án sử dụng quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, phường Phú Hài, TP Phan Thiết).

Phương thức đấu giá 3 lô đất này được tỉnh Bình Thuận thực hiện chung một gói đấu giá, theo hiện trạng đất thô và khách hàng trúng thầu tự bỏ kinh phí làm hạ tầng bên trong. UBND tỉnh Bình Thuận cho biết do khu vực này là nghĩa địa tập trung, còn nhiều hố sâu, tường, bia mộ làm mất mỹ quan và thiện cảm nên dù đã thông báo 6 lần (từ năm 2013 đến 2015) nhưng không có khách hàng tham gia (?).

Năm 2016, các sở, ngành và Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh dự kiến làm lại giá theo hướng giảm giá để đấu giá. Đến tháng 1-2017, Công ty CP Tân Việt Phát có công văn xin chủ trương cho phép giao đất không qua đấu giá đối với 3 lô số 18, 19 và 20.

"Căn cứ khoản 3 điều 118 Luật Đất đai năm 2013 và khoản 2 điều 3 Quyết định số 10-2016/QĐ-UBND ngày 22-4-2016 của UBND tỉnh quy định trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 của điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 2 lần nhưng không thành công thì nhà nước thực hiện giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất. Do 3 lô đất trên đã đưa ra đấu giá 6 lần nhưng không có người tham gia nên UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất đối với Công ty CP Tân Việt Phát là đúng quy định pháp luật" - UBND tỉnh thông tin về việc giao đất của dự án này tại buổi họp báo chuyên đề các dự án trên địa bàn, tháng 11-2020.

Tháng 2-2017, UBND tỉnh Bình Thuận có Công văn số 571 gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đồng ý giao 3 lô đất số 18, 19 và 20 cho Công ty CP Tân Việt Phát với giá khởi điểm của năm 2013, tức khoảng 1,2 triệu đồng/m2. Theo nội dung công văn này, Công ty CP Tân Việt Phát là nhà đầu tư duy nhất đăng ký đấu giá, việc "thực hiện giao 3 lô đất này theo Quyết định số 2423 ngày 4-10-2013 của UBND tỉnh là 1,2 triệu đồng/m2".

Sau đó, Cơ quan CSĐT nhận được tin tố giác tội phạm liên quan khu đất trên và một số dự án giao đất không qua đấu giá khác. Qua tiếp nhận điều tra, Bộ Công an đã thuê một đơn vị giám định độc lập, xác định tại thời điểm giao, cho thuê đất (tháng 3-2017), mỗi mét vuông đất tại dự án này có giá hơn 1,9 triệu đồng. Như vậy, việc áp dụng thời điểm giao 9,26 ha đất không đúng đã gây thiệt hại ngân sách hơn 71 tỉ đồng.

Thêm 8 dự án có dấu hiệu vi phạm

Được biết, ngoài vụ án tại khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2, hiện Bộ Công an đang thụ lý thêm 8 dự án có dấu hiệu vi phạm, phần lớn là các dự án bất động sản sở hữu vị trí đắc địa, nằm trên địa bàn TP Phan Thiết.

Trong số này có ít nhất 2 dự án diện tích lớn, giao đất không qua đấu giá, gồm: Dự án lấn biển, bố trí sắp xếp khu dân cư, chỉnh trang đô thị phường Đức Long (rộng gần 123 ha) và dự án Trường Mầm non Lê Quý Đôn, phường Phú Thủy (rộng 5 ha).

Riêng dự án lấn biển, bố trí sắp xếp khu dân cư, chỉnh trang đô thị phường Đức Long được UBND tỉnh Bình Thuận cấp Quyết định chủ trương đầu tư số 1017/QĐ-UBND ngày 17-4-2017. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, trong số gần 123 ha diện tích giao chủ đầu tư, có 26,9 ha hiện trạng là mặt nước ven biển, không có đất nên không đưa ra đấu giá; hơn 958.000 m2 đất còn lại phải thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời mồ mả, "không có đất sạch nên không đủ điều kiện để đấu giá" (?).

Đã bắt tạm giam 5 bị can

Liên quan vụ án này, tối 10-2, Cơ quan CSĐT đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 5 bị can gồm: Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Hồ Lâm, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường và nguyên Phó Giám đốc sở này là Lê Nguyễn Thanh Danh; Ngô Hiếu Toàn, Phó Giám đốc Sở Tài chính, để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (khung hình phạt tù từ 10-20 năm).

Bài và ảnh: Hợp Phố

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/binh-thuan-nhieu-dat-vang-khong-qua-dau-gia-20220212211457552.htm