Bình Thuận: Phụ nữ khởi nghiệp được tiếp cận giải pháp chuyển đổi số
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Thuận vừa tổ chức Hội thảo 'Phụ nữ Bình Thuận khởi nghiệp - Chuyển đổi số kết nối tương lai' tỉnh Bình Thuận, theo Đề án 939 – 2024.
Hội thảo "Phụ nữ Bình Thuận - Chuyển đổi số kết tương lai" được đánh giá là đã thành công như mong đợi.
Tại đây, nhiều cán bộ, hội viên, phụ nữ đã tập trung thảo luận, trao đổi, làm rõ hơn về thực trạng ứng dụng công nghệ trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của mình trên thị trường hiện nay và vai trò của các cấp, các ngành đối với hoạt động chuyển đổi số trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Cùng với đó là việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các mô hình kinh tế do phụ nữ quản lý, làm chủ, các hộ kinh doanh, khởi sự kinh doanh, hội viên phụ nữ có mô hình khởi nghiệp hiệu quả, hội viên phụ nữ có nhu cầu ứng dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; những khó khăn, thách thức của việc ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Từ đó đề xuất các giải pháp hữu hiệu để phát huy tốt hơn nữa vai trò của tổ chức Hội đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trên nền kinh tế số.
Theo đánh giá của Ban tổ chức, chuyển đổi số để phát triển kinh tế hiện nay đang được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là xu thế tất yếu.
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước; trong đó, có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.
Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành một quốc gia số.
Với tầm nhìn và mục tiêu trên, phụ nữ là bộ phận, là chủ thể không thể thiếu của chương trình chuyển đổi số của quốc gia; bởi hiện nay nữ giới chiếm hơn một nửa dân số và đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế có trên 50% số hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ hoặc tham gia quản lý, phụ nữ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số đất nước.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Bình Thuận, Phan Thị Vi Vân cho hay, thực hiện Đề án số 939 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, hoạt động nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ;
Thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể thông qua chuỗi các dịch vụ hỗ trợ chất lượng, bền vững, góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế.
Đặc biệt là trong giai đoạn II của Đề án, các cấp Hội đã chú trọng đến các hoạt động ứng dụng công nghệ, đa dạng hóa phương thức vận động, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và tham gia mạnh mẽ thương mại điện tử thông qua nhiều chương trình như: Phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong lĩnh vực chuyển đổi số, tổ chức các hội thảo chuyên đề, hội nghị tập huấn về “Chuyển đổi số, thương mại điện tử”, “Chiến lược kinh doanh thời đại 4.0”… và đã thu hút được nhiều phụ nữ tham gia.
Bà Phan Thị Vi Vân nói thêm, dù vậy trong quá trình hội nhập, chuyển đổi số, không ít phụ nữ khởi nghiệp chưa có kiến thức cơ bản, nền tảng về khoa học - kỹ thuật, thiếu hụt các kỹ năng tiếp cận khách hàng qua các nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, kiến thức chuyển đổi số...
Phụ nữ khi khởi nghiệp, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chưa thực sự chú trọng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, còn sử dụng công nghệ, máy móc, phương tiện sản xuất lạc hậu, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản xuất.
Trước những thời cơ và thách thức mà chuyển đổi số mang lại, để thích ứng với thời đại công nghệ số, kinh tế số, nhu cầu của phụ nữ khởi nghiệp trong tỉnh mong muốn được hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua hệ thống gian hàng của hội phụ nữ và các kênh phân phối phù hợp nhu cầu của thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại; hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...
Qua Hội thảo lần này, phụ nữ sẽ được tiếp cận, được trang bị thêm kiến thức về chuyển đổi số, thương mại điện tử; chia sẻ thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp, Hợp tác xã do phụ nữ làm chủ; nhất là sự đồng hành của các cấp, các ngành về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh chuyển đổi số, tham gia thương mại điện tử để giúp phụ nữ khởi nghiệp về kỹ năng công nghệ để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học trong sản xuất, kinh doanh, giúp nâng cao tiêu chuẩn, năng suất, giúp phụ nữ hội nhập và phát triển.