Bình Thuận: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Nhằm bảo đảm sức khỏe và nâng cao chất lượng môi trường sống, các sở ban ngành, đoàn thể, người dân đã và đang chung tay thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Xử lý triệt để

Thời gian qua, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát sinh không ít vấn đề về môi trường. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Bình Thuận, Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành có liên quan và các địa phương, Bình Thuận đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm kiểm soát chặt, ngăn chặn và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa bàn.

Vứt rác thải bừa bãi là vấn đề chung của các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Vứt rác thải bừa bãi là vấn đề chung của các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Hiện nay, các nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cơ bản đã được kiểm soát. Đặc biệt, đến nay, các “điểm nóng” về môi trường đã được giám sát chặt chẽ và tiến tới xử lý triệt để.

Toàn tỉnh Bình Thuận hiện còn 3 “điểm nóng” về môi trường liên quan đến hoạt động của Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, hoạt động chăn nuôi heo tập trung, hoạt động chế biến thủy sản tại Cụm công nghiệp chế biến hải sản Phú Hài (CCN Phú Hài). Các điểm nóng này vẫn đang được kiểm soát tốt.

Cụ thể, đối với “điểm nóng” về môi trường từ CCN Phú Hài, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với UBND TP.Phan Thiết tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong và ngoài phạm vi CCN.

Qua kiểm tra, các cơ sở chế biến bột cá đã hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý khí thải, đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; tình hình môi trường đối với các cơ sở chế biến hải sản cơ bản ổn định, không có phản ánh của người dân.

Bên cạnh đó, đối với Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cũng đã thường xuyên giám sát trực tiếp hoặc giám sát thông qua camera công tác BVMT tại các nhà máy nhiệt điện thuộc Trung tâm; phối hợp với Đoàn giám sát của Tổng cục Môi trường (trước đây) tiến hành các đợt giám sát, lấy mẫu môi trường xung quanh và chất thải phát sinh từ các nhà máy.

Qua giám sát, kết quả quan trắc tự động khí thải, nước thải tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân đều trong giới hạn cho phép, tình hình về môi trường tại Trung tâm nhìn chung ổn định, các nhà máy tiếp tục duy trì và thực hiện tốt các biện pháp về BVMT trong quá trình hoạt động.

Riêng đối với “điểm nóng” về môi trường từ các trang trại chăn nuôi heo, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp thanh tra, kiểm tra và hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các trang trại thực hiện các biện pháp BVMT; lập hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình BVMT... đối với các trang trại; xử lý, xử phạt nghiêm các trang trại vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận đã tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Bình Thuận cho chủ trương, biện pháp quản lý chặt chẽ, lâu dài. Đến nay, công tác BVMT tại các trang trại chăn nuôi heo đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chung tay bảo vệ môi trường

Để góp phần tạo diện mạo mới, nâng cao chất lượng môi trường sống cho người dân, các Sở ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp BVMT, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường năm 2020..

Mọi người cùng dọn vệ sinh tại bờ biển Tiến Thành, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Mọi người cùng dọn vệ sinh tại bờ biển Tiến Thành, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Theo đó, tập trung xử lý dứt điểm các khu vực ô nhiễm môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra và thực hiện các biện pháp BVMT đối với các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung cũng như xử lý, xử phạt nghiêm các trang trại vi phạm pháp luật về môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, các Sở ngành có liên quan và các địa phương cũng đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ xây dựng hệ thống xử lý chất thải, nước thải, nhất là những hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh; thực hiện di dời những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, các Sở ngành và các địa phương còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân những kiến thức, quy định pháp luật về BVMT; triển khai các phong trào, mô hình về BVMT.

Điển hình như phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” và các mô hình: “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình”, “Tổ thuyền nghề không xả rác thải nhựa trên sông, trên biển”... Qua đó, phát huy trách nhiệm trong phối hợp và tổ chức thực hiện của các tổ chức, cá nhân, hướng đến một môi trường sạch, đẹp, an toàn.

Ông Đỗ Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho biết, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý BVMT, hướng đến cuộc sống an toàn và bền vững của người dân địa phương, cả hệ thống chính trị của tỉnh Bình Thuận đã và đang vào cuộc với nhiều giải pháp thực hiện rất cụ thể và thiết thực.

“Đến nay, một số khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở địa phương đã được kiểm soát, tiến tới xử lý dứt điểm và không để phát sinh mới các khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn. Tình hình vệ sinh môi trường ở các khu dân cư nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, đường làng, ngõ xóm ngày càng xanh - sạch - đẹp”, ông Thái cho biết thêm.

Phạm Thạch

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/binh-thuan-trien-khai-nhieu-giai-phap-bao-ve-moi-truong-76790.html