Bình Thuận truy vết F1, Quảng Ninh, Lâm Đồng dừng vận tải hành khách
Tỉnh Bình Thuận đã điều tra được 313 trường hợp là F1 của các ca mắc COVID-19, 351 trường hợp là F2; lấy 1.600 mẫu xét nghiệm, trong đó có 670 mẫu test nhanh, 930 mẫu chạy PCR.
Ngay khi xuất hiện 5 trường hợp mắc COVID-19 ở ngoài cộng đồng, tỉnh Bình Thuận đã khẩn trương truy vết các trường hợp có tiếp xúc gần với các ca này.
Tính đến 10 giờ ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm y tế huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết đã điều tra dịch tễ đối với các trường hợp mắc COVID-19 và các trường hợp tiếp xúc với ca mắc.
Tỉnh đã điều tra được 313 trường hợp là F1 của các ca mắc COVID-19, 351 trường hợp là F2; lấy 1.600 mẫu xét nghiệm, trong đó có 670 mẫu test nhanh (tất cả đều cho két quả âm tính), 930 mẫu chạy PCR (872 mẫu có kết quả xét nghiệm âm tính), còn 58 mẫu đang chờ kết quả.
Trước diễn biến của dịch COVID-19 trên địa bàn, sáng 25/6, tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Tuấn Phong yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo theo công văn số 2297/UBND-KGVXNV Bình Thuận, ngày 24/6/2021 về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường hoạt động truy vết, đặc biệt là các trường tiếp xúc gần với ca mắc COVID-19 và các trường hợp F2, F3; kiểm tra chính xác tình hình dịch tễ của các trường hợp đã tiếp xúc với người nhiễm với phương châm truy vết đủ và nhanh, hoàn thành việc truy vết trong chiều nay.
Trên cơ sở truy vết, Sở Y tế đẩy nhanh việc khoanh vùng, thực hiện cách ly, huy động lực lượng lấy mẫu và tiến xét nghiệm diện rộng đối với nhóm đối tượng tiếp xúc.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, test xét nghiệm, nhân lực không để thiếu, để chờ. Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn Sở Y tế mua sắm nhanh, đúng quy định vật tư, trang thiết bị để phục vụ phòng, chống dịch.
Để đảm bảo việc thực hiện cách ly tập trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đề nghị các đơn vị chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo chế độ ăn uống dinh dưỡng, tạo điều kiện tốt để người dân cách ly; đồng thời tuân thủ nghiêm quy định tránh trường hợp lây nhiễm chéo tại các khu cách ly.
Huyện Tuy Phong và Thành phố Phan Thiết phải tuân thủ nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời khảo sát, mở rộng các cơ sở cách ly tập trung.
Theo báo cáo của Sở Y tế, 5 trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn đều có sức khỏe bình thường, trong đó 2 trường hợp (bệnh nhân BN14252, BN14266) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 3 trường hợp (bệnh nhân BN14263, BN14264, BN14265) đang được điều trị tại Trung tâm Y tế Tuy Phong.
Ngay sau khi phát hiện ca mắc, tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội trong 14 ngày theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ toàn thành phố Phan Thiết, từ 12 giờ ngày 24/6 và huyện Tuy Phong từ 0 giờ ngày 25/6. Các địa điểm có trường hợp bệnh đến và sinh sống đã được tiến hành phong tỏa, phun khử khuẩn.
Bình Thuận cũng tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, cơ sở kinh doanh không thiết yếu, hoạt động tắm biển, tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công và Bộ phận Một cửa thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong. Các quán ăn chỉ bán mang về.
Quảng Ninh, Lâm Đồng tạm dừng hoạt động kinh doanh vận tải hành khách
Ngay sau khi có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các biện pháp cấp bách để phong tỏa, cách ly, truy vết các trường hợp liên quan. Lực lượng chức năng đã truy vết được 41 F1, 339 F2, 195 F3.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Cẩm Phả đã phong tỏa và phun khử khuẩn toàn bộ khu nhà tập thể của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Petro Bình Minh tại phường Mông Dương và Văn phòng trụ sở Công ty tại phường Quang Hanh.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả được khử khuẩn, tạm ngừng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú, phong tỏa toàn bộ Bệnh viện này từ 7 giờ, ngày 25/6. Toàn bộ bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện từ ngày 24/6 đến nay được lấy mẫu xét nghiệm.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Công văn số 3353/SGT-QLVT&PT về việc tạm dừng hoạt động vận tải khách liên tỉnh để tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, từ 0 giờ, ngày 25/6, Quảng Ninh tạm dừng toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải khách liên tỉnh đường bộ. Các hoạt động vận tải khách nội tỉnh, vận tải hàng hóa và các bến xe, cảng, bến khách thủy nội địa tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Thông báo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng, từ 0 giờ ngày 26/6/2021, tỉnh sẽ tạm dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách công cộng các loại hình: Xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi từ các tỉnh, thành có dịch COVID-19 mà chưa được kiểm soát theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Các địa phương này gồm quận Long Biên, Sóc Sơn (Hà Nội); tỉnh Hưng Yên; thành phố Hải Dương; tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Hà Tĩnh; các huyện Hiệp Hòa, Yên Dũng (Bắc Giang); quận Vĩnh Bảo (Hải Phòng); huyện Diễn Châu, thành phố Vinh (Nghệ An); Thành phố Hồ Chí Minh; thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh); huyện Hồng Dân (Bạc Liêu); tỉnh Bình Dương; huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk; huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn); tỉnh Tiền Giang; thành phố Việt Trì (Phú Thọ); thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Nai; quận Thanh Khê (Đà Nẵng); tỉnh Long An; huyện Chư Sê (Gia Lai); huyện Tân Lạc (Hòa Bình); huyện Tuy Phong, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận); thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Nha Trang (Khánh Hòa); thành phố Lào Cai; tỉnh Đồng Tháp, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang). Các loại hình vận tải hành khách từ những địa phương trên sẽ tạm dừng chiều đến địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cũng theo thông báo trên, các hoạt động vận chuyển hành khách đến tỉnh Lâm Đồng đối với các loại xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch từ các tỉnh phía Nam từ Đà Nẵng trở vào sẽ tạm dừng.
Các xe vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hóa có hành trình đi ngang qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng (không đón trả khách, xếp dỡ hàng hóa) phải có đầy đủ các loại hợp đồng, chứng từ, lệnh vận chuyển… chứng minh được tính xác thực; đồng thời phải tuân thủ đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
Đến ngày 25/6, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với SARS-CoV-2.
Nhưng có một trường hợp cư trú tại thành phố Đà Lạt, là lái xe đông lạnh đường dài, được phát hiện dương tính với SARS- CoV-2 tại tỉnh Bắc Giang.
Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đang tổ chức truy vết những người đã tiếp xúc với bệnh nhân này kể từ ngày 17/6/2021 đến nay./.