Bình Thuận: Tùy tiện chuyển mục đích sử dụng đất, cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết vướng lao lý
Chủ tịch UBND TP.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), ông Đỗ Ngọc Điệp trong nhiệm kỳ đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai gây hậu quả nghiêm trọng dẫn tới việc bị tước chức danh và vướng vào vòng lao lý.
Vì sao cựu Chủ tịch TP.Phan Thiết bị khởi tố?
Ngày 19/12, tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP Phan Thiết khóa XI, có 32 trong tổng số 37 đại biểu HĐND với tỷ lệ 86,5% đã bỏ phiếu đồng ý bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết đối với ông Đỗ Ngọc Điệp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Trước đó, ngày 6/12, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra quyết định thi hành kỷ luật ông Đỗ Ngọc Điệp (Phó bí thư Thường trực Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết) bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Đến ngày 16/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Điệp về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cũng trong ngày 16/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Hồ Khải (nhân viên hợp đồng Phòng TN&MT TP Phan Thiết); quyết định khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Nguyễn Trí (nguyên chuyên viên Phòng TN&MT TP Phan Thiết) cùng tội danh “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Trước đó, Thanh tra tỉnh Bình Thuận có kết luận thanh tra số 1696/KL-UBND ngày 16/5/2019 về công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quy hoạch đô thị tại địa bàn TP Phan Thiết. Sau khi có kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận giao Thanh tra tỉnh chuyển vụ việc sang Cơ quan CSĐT Công an tỉnh để điều tra dấu hiệu vi phạm về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Đến ngày 23/7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khỏi tố vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tiếp đó, ngày 12/9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với các ông Trần Hoàng Khôi (Phó chủ tịch UBND TP Phan Thiết), Phạm Thành Thái và Lê Hoàng Anh Tân (lần lượt là trưởng phòng và chuyên viên Phòng TN&MT TP Phan Thiết) cùng về tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Theo cơ quan điều tra, ông Khôi đã trực tiếp ký 100 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn không đúng kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Như vậy, trong vụ án này, đến nay đã có 6 cán bộ, nhân viên ở TP Phan Thiết bị khởi tố. Trong đó, 4 người bị bắt tạm giam, 2 người đang tại ngoại.
Tùy tiện chuyển mục đích sử dụng đất
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Bình Thuận, từ đầu năm 2016 - 9/2018, công tác quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm có nhiều hạn chế, sai phạm.
Cụ thể, có biểu hiện tùy tiện trong việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất hàng năm không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất TP Phan Thiết giai đoạn 2011 - 2020 đã được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt, dẫn đến các sai phạm có hệ thống như cho phép các hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn có diện tích lớn (khoảng gần 1.000m2 trở lên) nhưng không thực hiện việc thẩm định điều kiện, nhu cầu sử dụng đấtcủa hộ gia đình, cá nhân, không đúng theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của TP Phan Thiết đã được UBND tỉnh phê duyệt.
UBND TP Phan Thiết có quyết định cho 139 thửa đất với tổng diện tích 176.815m2 chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, cây lâu năm sang đất ở nông thôn trên địa bàn 3 xã không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được UBND tỉnh phê duyệt, làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai.
UBND TP Phan Thiết cố ý, tùy tiện làm trái các quy định của Nhà nước trong việc xác định khu vực, vị trí thửa đất, mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích không đúng thực tế, không đúng quy định (xác định vị trí thửa đất trước khi chuyển mục đích, thay đổi, điều chỉnh thông tin bất thường, luôn xác định thấp hơn quy định) gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận khi cho tách thửa đất nông thôn ở 3 xã này đã không kiểm tra việc cho chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất ở, dẫn đến việc để cho UBND TP Phan Thiết tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật. Điều này khiến nhiều cá nhân lợi dụng kẽ hở xin chuyển mục đích sử dụng đất để phân nền, chia lô, bán đất thương phẩm trái pháp luật tràn lan.
Qua kiểm tra ngẫu nhiên 65/160 hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở trên địa bàn 3 xã nói trên thì toàn bộ 65 hồ sơ đều được Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phan Thiết ghi thiếu thông tin vị trí đất.
Sau đó, Chi cục thuế TP Phan Thiết không chuyển trả lại để bổ sung thông tin theo quy định mà vẫn tính tiền sử dụng đất và ra thông báo nộp tiền sử dụng đất với các mức thấp hơn quy định. Có nhiều hồ sơ đóng tiền rất ít, thậm chí là 0 đồng.
Đáng chú ý, có hồ sơ trước và sau khi tính lại, giá trị tiền phải nộp chênh lệch hàng tỷ đồng. Chẳng hạn, năm 2017, ông Mai Văn Triệu được UBND TP Phan Thiết cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở nông thôn với 6 thửa đất, tổng diện tích 41.472,5m2 tọa lạc tại xã Thiện Nghiệp.
Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phan Thiết có phiếu chuyển thông tin địa chính đối với 6 thửa đất sang Chi cục thuế TP Phan Thiết nhưng chỉ thông tin vị trí đất ở là vị trí 2, khu vực 3 mà không có vị trí đất nông nghiệp trước khi chuyển mục đích để làm căn cứ tính giá.
Sau đó, Chi cục thuế TP Phan Thiết không yêu cầu bổ sung thông tin mà thông báo tiền nộp thuế là gần 790 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu tính theo đúng quy định thì số tiền phải đóng là khoảng 4 tỷ đồng. Lý do có sự chêch lệch quá lớn này là vì thửa đất 68, tờ bản đồ số 28, diện tích 25.886m2, Chi cục thuế TP Phan Thiết tính với giá 0 đồng.
Hậu quả của việc chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định nói trên dẫn đến việc hình thành 19 khu dân cư tự phát trên địa bàn 3 xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp và Phong Nẫm. Các khu dân cư này không đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định và quy hoạch nông thôn mới. Toàn bộ đường giao thông được làm bằng bê tông xi măng nhưng không có vỉa hè, hệ thống thoát nước, các trụ nước cứu hỏa…
Đặc biệt, các khu dân cư này không có các công trình hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường mẫu giáo, công viên, trạm xá… Quan trọng hơn, việc làm sai này đã làm phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở địa bàn 3 xã nói trên.
Kết luận thanh tra xác định rõ, những hạn chế, sai phạm nói trên trách nhiệm thuộc về Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, UBND TP Phan Thiết, Phòng TN&MT TP Phan Thiết, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP Phan Thiết, Chi cục thuế TP Phan Thiết, UBND các xã Tiến Lợi, Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.