'Bình thường mới' chứ không phải bình thường
Trở lại cuộc 'sống bình thường mới' theo tinh thần Nghị quyết 128/ NQ-CP đã làm cho người dân phấn khởi, cho thấy dịch đã được cơ bản kiểm soát. Tuy nhiên, những ngày gần đây, hình ảnh đường phố trở nên đông đúc sau chuỗi ngày dài vắng lặng đã khiến không ít người dân lẫn chuyên gia cảm thấy lo ngại nguy cơ tái bùng phát dịch.
Chúng ta còn nhớ, báo chí và các trang mạng từng phản ánh việc nhiều người dân Hà Nội đổ ra đường vào dịp Tết Trung thu 2021. Và mới đây hình ảnh người dân TP. Hồ Chí Minh ra đường khá động, không đảm bảo khoảng cách trong lễ hội Halooween. Đó là những hành động đáng lo bởi vi rút SARS COV2 vẫn còn đâu đó ngoài cộng đồng, mọi chủ quan lơ là trong phòng, chống dịch đều phải trả giá.
Có thể nói, việc nới lỏng giãn cách nhằm khôi phục kinh tế, từng bước đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường là một dấu hiệu cho thấy dịch đã từng bước được kiểm soát. Người dân đã có thể bắt đầu một cuộc sống "bình thường mới" an toàn hơn. Nhưng rõ ràng "bình thường mới" chứ không phải bình thường như trước khi có dịch.
Vi rút SARS COV2 vẫn còn tồn tại trong cộng đồng và sẽ "làm khó" ta bất cứ lúc nào nếu mọi người lơ là các biện pháp phòng, chống. Cụ thể. các ca F0 tại số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tăng liên tục những ngày qua, nhiều tỉnh đã chuyển tông màu trên bản đồ COVID như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu,… đã quyết định chuyển cấp độ dịch từ "vùng xanh" lên "vùng vàng".
Có một thực tế cần nhận rõ là người được tiêm 2 mũi vẫn có thể nhiễm vi rút, tuy được bảo vệ không nguy hiểm tính mạng nhưng vẫn có thể lây cho người khác. Vì thế, nếu ta không ý thức và tự giác trong việc bảo vệ bản thân mình, không tuân thủ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế thì vẫn có thể bị nhiễm bệnh và là tác nhân lây bệnh.
Với Tiền Giang, dịch bệnh dù đã cơ bản được kiểm soát, nhưng trong tháng 10, số ca mắc trong ngày tăng dần, ngày ghi nhận thấp nhất là 13 ca, ngày cao nhất là 223 ca. Theo ngành Y tế, tình hình dịch có chiều hướng phức tạp, xuất hiện nhiều ổ dịch có phạm vi rộng, khó kiểm soát, làm tăng số ca mắc mới. Bên cạnh đó, xuất hiện ổ dịch ở các công ty, số lượng công nhân dương tính nhiều, công nhân đi về hằng ngày làm lây lan F0 ra cộng đồng, dẫn đến các ổ dịch phát sinh trong cộng đồng.
Tiền Giang vẫn đang ở cấp độ 2; huyện có 1 đơn vị cấp độ 1 và 10 đơn vị cấp độ 2; cấp xã có 7 xã cấp độ 3, 46 xã cấp độ 2 và 115 xã cấp độ 1 và vẫn còn 2 xã, phường cấp độ 4.
Tất cả cho ta thấy, cần nâng cao cảnh giác phòng, chống dịch để thích ứng an toàn khi trở lại sau giãn cách.
Quan điểm của tỉnh Tiền Giang là thích ứng với điều kiện sống chung với COVID 19 nên chấp nhận vẫn có F0 trong cộng đồng, nhưng phải kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Căn cứ vào cấp độ dịch được Sở Y tế công bố, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải áp dụng các biện pháp tương ứng để kiểm soát dịch trên địa bàn.
Rõ ràng công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới sẽ gặp khó khăn khi đã mở cửa trở lại. Chìa khóa đẩy lùi dịch bệnh hiện nay vẫn là 5K cộng với vắc xin và ý thức của người dân. Do đó cả hệ thống chính trị vẫn phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là, quyết tâm bảo vệ thành quả phòng, chống dịch vừa qua, không để dịch bùng phát trở lại. Tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng, chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Dịch bệnh vẫn đang trong giai đoạn nguy hiểm, có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Bài học về sự chủ quan tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến dịch bùng phát trở lại vẫn còn đó. Chúng ta “mở cửa” sống chung với dịch để khôi phục sản xuất, kinh doanh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", nhưng cần nhớ rằng "bình thường mới" chứ không phải bình thường như chưa hề có dịch xảy ra.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202111/binh-thuong-moi-chu-khong-phai-binh-thuong-937864/