Bình thường mới, 'trao quyền tự chủ' nhiều hơn cho doanh nghiệp
Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất lớn. Hậu quả lớn hơn nếu bị dừng hoạt động quá lâu. Các doanh nghiệp mong muốn khôi phục sản xuất ngay.
Doanh nghiệp ngày càng kiệt sức
Tác động của dịch Covid-19 đến tình hình “sức khỏe” doanh nghiệp rất nghiêm trọng. Kết quả điều tra khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tháng 9/2021 với gần 3.000 DN cho thấy, có tới 93,9% bị tác động của dịch ở mức độ “hoàn toàn tiêu cực” và “phần lớn là tiêu cực”.
Trong đó, có khoảng 60% DN đánh giá “phần lớn là tiêu cực” và 34% DN nhận định Covid tác động “hoàn toàn tiêu cực”, tăng gấp đôi so với mức 15% của năm 2020. Chỉ có khoảng 4% cho biết không bị ảnh hưởng bởi dịch và khoảng 2% cho hay đại dịch có tác động tích cực mang ,lại cơ hội cho doanh nghiệp để phát triển.
Có 90,8% DN đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Khoảng 92% DN quy mô lớn, 81% DN ở quy mô vừa, 94% DN quy mô nhỏ và 90% DN quy mô siêu nhỏ cho lao động nghỉ việc. Trung bình có 96,2% DN gặp ít nhất một trong các vấn đề liên quan đến chuỗi giá trị. Các vấn đề này có thể là khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, khó khăn khi quản lý nhân công hay đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đáng chú ý, có khoảng 61,8% DN khó tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, 57,6% bị đình đốn nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh khiến việc quản lý tài sản, dòng tiền trở thành một thách thức lớn. Có 57,2% DN gặp khó khăn trong quản lý nhân sự trong thời kỳ dịch bệnh. Tương tự, dịch bệnh trên toàn cầu gây ra trở ngại lớn về duy trì chuỗi cung ứng với 51,4% DN bị ảnh hưởng.
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến 71% doanh nghiệp báo cáo doanh thu dự kiến năm 2021 giảm so với năm 2020. Có 93% DN trong lĩnh vực y tế và trợ giúp xã hội (chẳng hạn các bệnh viện tư, các trung tâm chăm sóc, điều dưỡng), 87,5% DN ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống dự kiến năm 2021 sẽ bị sụt giảm. Các ngành khác cũng có doanh thu giảm mạnh, với tỷ lệ doanh nghiệp dự tính giảm doanh thu dao động trong khoảng từ 45,9% đến 87%.
Thiệt hại kinh tế mỗi ngày do giãn cách, cách ly là rất to lớn. Nếu các DN bị dừng hoạt động quá lâu, không tránh khỏi làn sóng phá sản hàng loạt. Đặc biệt, với các doanh nghiệp FDI, nếu bị thiệt hại quá nhiều do dừng sản đã phải chuyển đơn hàng sang các nước khác. Khi đó sẽ dẫn tới đình đốn ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, kéo theo là giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị kinh ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ sụt giảm đáng kể.
Khôi phục sản xuất
Các DN cho rằng, khu vực sản xuất cần phải tái mở cửa trong trạng thái "bình thường mới” ngay từ bây giờ. Hãy “trao quyền tự chủ” lớn hơn cho các DN trong việc phòng chống dịch, với sự hậu kiểm của cơ quan chức năng. Những mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường hai điểm đến” hiện không còn phù hợp với các nhà máy lớn, sử dụng nhiều lao động. Các mô hình này cũng không bền vững lâu dài, xét về mặt chi phí, hậu cần, an toàn, sức khỏe và tinh thần của người lao động vì vậy nên thay đổi.
Cần có một lộ trình rõ ràng ngay từ bây giờ. Chính quyền các địa phương cần làm việc với các DN để phê duyệt phương án khôi phục lại sản xuất theo tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP/2021. Đặc biệt, cần sớm dỡ bỏ các hạn chế đi lại với người lao động đã đáp ứng được các tiêu chí sản xuất an toàn phòng dịch.
Phải mất rất nhiều thời gian mới khai phá được những thị trường quan trọng xuất khẩu trong “câu lạc bộ tỷ đô”, nhưng đánh mất thì rất dễ, rất nhanh. Thị trường sẽ không chờ ai cả. Việc cắt giảm quy mô sản xuất của nhiều DN FDI đã diễn ra. Việc chuyển một phần công suất từ Việt Nam sang các thị trường khác cũng đã xảy ra. Nếu tiếp tục đóng cửa kéo dài, xu hướng này đương nhiên sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn.
Các Hiệp hội DN nước ngoài đã khẩn thiết đề nghị Chính phủ và các cấp chính quyền vào cuộc quyết liệt hơn,ể sớm mở cửa lại một cách thực chất. Một khi sản xuất thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác.
Nhằm phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, các DN cũng đề xuất, cần có một đầu mối để cung cấp vắc xin và phải có một chương trình đo lường được độ phủ vắc xin trên chuỗi cung ứng. Nếu không, tất cả các kế hoạch chỉ là điều kiện cần, chứ không phải điều kiện đủ.
"Chúng tôi kiến nghị tính toán độ phủ theo vùng, chứ không phải một khu vực và chia ra mức độ ưu tiên. Ngắn hạn thì ưu tiên các DN đang hoạt động và chuẩn bị phục hồi, còn dài hạn hơn là kế hoạch tìm vắc xin liên tỉnh", đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM nêu ý kiến.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng DN Gia đình Việt Nam, có hai nhóm giải pháp các DN đang rất quan tâm, mong đợi.
Thứ nhất, nhóm giải pháp về tài chính. Các DN đang bị mất cân đối dòng tiền, do vậy việc duy trì hạn mức tín dụng, hoãn, giãn các khoản thuế, phí là cần thiết.
Thứ hai, nhóm giải pháp đối với người lao động. Các DN đang rất khó khăn trong việc duy trì lực lượng lao động. Họ muốn giữ lao động, nhưng lại không có khả năng trả lương do phải ngừng hoặc sản xuất cầm chừng. Nếu cho lao động nghỉ việc sẽ giảm bớt chi phí trước mắt nhưng khi tuyển dụng lại sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, rất cần chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp từ Chính phủ để DN duy trì được lực lượng lao động.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam đề nghị, Chính phủ cần có gói hỗ trợ từ Nhà nước. Cụ thể là giảm lãi suất đối với cả nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới xuống còn 4-4,5%/năm. Mặc dù vừa qua các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi suất từ 0,3-1,5%/năm cùng các gói tín dụng ưu đãi khác, nhưng mức giảm này không đáng kể so với thiệt hại và DN cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác, theo ông Lập.
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng rất nhiều DN đã đuối sức, thậm chí kiệt quệ. Do đó, nếu DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất phải được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn.