Bình tĩnh, cầu thị, trách nhiệm

'Hiện nay, trên bảng điện tử đã có 79 đại biểu đăng ký chất vấn'. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khi bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thứ hai với trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Đây cũng là số lượng đại biểu đăng ký nhiều nhất trong số 3 lĩnh vực mà 3 bộ trưởng, trưởng ngành đã đăng đàn trong một ngày rưỡi vừa qua (lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn có 53 đại biểu đăng ký, lĩnh vực ngân hàng có 68 đại biểu đăng ký).

Ảnh: Quang Khánh

Ảnh: Quang Khánh

Không phát hiện thất thu thuế với xe biếu, tặng

Với các “tư lệnh ngành”, được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, chắc chắn Bộ trưởng, trưởng ngành nào cũng đều ở vị trí “ghế nóng”. Song có lẽ, Bộ trưởng Bộ Tài chính là vị trí “nóng” hơn cả, không chỉ bởi đây là một trong những bộ đa ngành trọng yếu, được giao nắm giữ “hầu bao”, “ngân khố” của quốc gia, và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều chính sách tài chính có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là ngành có số nghị định, thông tư tham mưu cho Chính phủ chiếm số lượng lớn, khoảng 26 - 30% tổng số nghị định, thông tư Chính phủ ban hành. Hơn thế, trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế chịu nhiều tác động bất lợi từ kinh tế thế giới và đại dịch Covid-19, thu ngân sách khó khăn, chi ngân sách tăng cao để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch cũng như nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thì “chiếc ghế” của "tư lệnh ngành" tài chính càng “nóng” hơn bao giờ hết.

Cho nên, không khó lý giải khi ngay từ những chất vấn đầu tiên, nhiều vấn đề nóng, thậm chí rất nóng đang được dư luận xã hội và cử tri cả nước quan tâm, theo dõi đã được các đại biểu Quốc hội dồn dập đặt câu hỏi với Bộ trưởng Hồ Đức Phớc.

Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính, tham mưu với Chính phủ những biện pháp gì để khắc phục khó khăn trong rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, dẫn đến thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước?

Thời gian qua, báo chí phản ánh về hiện tượng xe biếu, tặng - đây thực chất là cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. Bộ trưởng cho biết về vấn đề này?

Thời gian qua, nhiều nhà đất ở cơ quan sau sáp nhập, di dời không được đưa vào sử dụng đã làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Bộ trưởng cho biết tình hình và giải pháp về vấn đề này?

Thời gian qua, giá xăng, dầu trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hiện đang đứng ở mức cao. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục có các biện pháp về giảm các khoản thuế đang thu vào xăng, dầu để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?...

Không chỉ dồn dập đặt câu hỏi chất vấn mà số đại biểu dồn dập giơ biển tranh luận với Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khá lớn, 9 đại biểu, cũng nhiều nhất trong số 3 bộ trưởng, trưởng ngành đã trả lời chất vấn lần này. Tuy nhiên, với bản lĩnh và kinh nghiệm nghị trường dày dặn (nhiều lần tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính tại các phiên họp của Quốc hội), nên trong lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước hôm qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã rất “tự tin và bình tĩnh”, trả lời ngắn gọn, đi thẳng vào những vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.

Trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề xe biếu tặng, Bộ trưởng cho biết, sau khi báo chí nêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an để kiểm tra và điều tra việc này. Chúng tôi đã giao cho Tổng cục Hải quan và đã làm việc với C03 của Bộ Công an, đã tổ chức họp nhiều lần và kiểm tra. Đến hôm nay vẫn chưa có kết quả, nhưng cùng với việc chỉ đạo các Cục Thuế, Tổng cục Hải quan, chỉ đạo các Cục Hải quan của địa phương kiểm tra, rà soát xem có thất thu thuế hay không và việc định giá xe có chính xác hay không? Và “theo báo cáo của Tổng cục Hải quan hiện nay không phát hiện ra vấn đề thất thu thuế, vì các loại thuế đều được nộp một cách đầy đủ”, Bộ trưởng khẳng định.

Hay liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tài chính trong quản lý thị trường chứng khoán, nhất là vừa qua thị trường này để xảy ra nhiều vi phạm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết “đã nỗ lực hết sức mình và chính vì sự nỗ lực đấy, chúng ta mới ngăn chặn và vừa qua xử lý một số sai phạm, làm cho thị trường chứng khoán trở nên minh bạch hơn”. Theo đó, ngay từ năm 2021, từ tháng 4 đến tháng 9, Bộ đã ra 5 thông cáo báo chí về vấn đề rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; chúng tôi đã trả lời nhiều báo và Đài Truyền hình Việt Nam về vấn đề này để cảnh báo cho nhà đầu tư chứng khoán; ngày 1.9, chúng tôi đã ra công điện yêu cầu Ủy ban Chứng khoán và các cơ quan tiến hành thanh tra và đến ngày 3.12 tăng cường thanh tra nhằm phát hiện sai phạm để xử lý. Đến ngày 1.4 vừa qua, Bộ lại quay sang thanh tra các công ty kiểm toán độc lập đối với các công ty chứng khoán phát hiện nhiều sai phạm. Từ đó, “chúng tôi chuyển qua cơ quan điều tra 34 vụ và tiến hành xử phạt hành chính 568 vụ, xử phạt hành chính với số tiền hơn 29 tỷ đồng. Đây cũng là một bước để làm lành mạnh hóa thị trường chứng khoán”. Nhấn mạnh điều này, song Bộ trưởng cũng thừa nhận trách nhiệm của cán bộ Bộ Tài chính, và cho biết, vừa rồi đã thực hiện cách chức 2 cán bộ lãnh đạo, cảnh cáo 2 cán bộ lãnh đạo và kiểm điểm nhiều cán bộ khác…

Không phải thuế nào cũng là Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trong phần trả lời các chất vấn của ĐBQH, nhất là những vấn đề liên quan đến giảm thuế để giảm giá các mặt hàng thiết yếu, như giá xăng dầu đang tăng cao, “đánh thẳng” vào túi tiền của người dân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khá nhiều lần nhắc đến “thẩm quyền của Quốc hội”, “thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”. Đơn cử, liên quan đến thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu hay thuế VAT…, Bộ trưởng cho biết, “có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không thì cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng trước mắt chúng tôi sẽ đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình với Quốc hội để có thể giảm thuế trong xăng dầu để giảm giá, xăng dầu xuống…”. Cũng theo Bộ trưởng, “trước đây, chúng tôi định có văn bản đề nghị với Chính phủ để đề nghị với Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định thuế trong xăng dầu để linh hoạt, bởi Quốc hội 6 tháng họp một lần. Tuy nhiên, sau khi đối chiếu Hiến pháp, chúng tôi thấy các quy định nghĩa vụ thuế là theo quy định của pháp luật. Cho nên, chỉ khi được Quốc hội đồng ý thì chúng tôi mới có cơ sở để trình”, Bộ trưởng khẳng định.

Ghi nhận phần trả lời của Bộ trưởng, nhưng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, “không phải thuế nào cũng là Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, và đề nghị Bộ trưởng rà soát các loại thuế và phí. Cái nào là trách nhiệm của Quốc hội, cái nào là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cái nào là của Chính phủ? Ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu trong công thức giá cơ sở là trách nhiệm của ai? Có phải của Chính phủ không? Ngoài những vấn đề công cụ về thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi mở: “Vấn đề trợ giúp trực tiếp cho những đối tượng bị tác động nặng như Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nêu, như vấn đề hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, cho lĩnh vực giao thông vận tải hay cho người nghèo, người thu nhập thấp; chúng ta phải nghiên cứu một cách toàn diện các công cụ và các giải pháp, vì giá phải quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo để rà soát kỹ hơn”.

Thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, không những giải đáp nhiều vấn đề khó, phức tạp của lĩnh vực tài chính, mà Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thậm chí còn “hiến kế” giải pháp để gỡ “nút thắt” liên quan đến đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - nguồn cơn của nhiều vi phạm xảy ra thời gian qua.

Tuy nhiên, không phải trả lời nào của Bộ trưởng đều đáp ứng yêu cầu của các ĐBQH. Liên quan vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) nêu rõ: Bộ trưởng nói, theo mục tiêu chiến lược thì năm 2025 phải đạt 20% GDP. Thực tế, đến cuối năm 2021, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tương đương 18,2%, tức là gần 51 tỷ USD. Nếu so với 2018, thì quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 tăng gấp 3 lần. Phải chăng chúng ta vừa qua có sự buông lỏng và phải chăng những cảnh báo của Bộ Tài chính như Bộ trưởng nói là không có hiệu quả? Vừa rồi, Bộ Tài chính cũng thanh tra và cho thấy rằng trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm vừa qua có 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 doanh nghiệp có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10, trong số 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu nhiều nhất trong năm qua, có doanh nghiệp phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Ví dụ có doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất cao là gần 13%, có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần, có công ty phát hành 7.700 tỷ đồng trái phiếu, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng, tức là tỷ lệ là 28 lần.

Từ những phân tích chi tiết nêu trên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, quan trọng nhất là có giải pháp quản lý để 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng này không phát sinh hậu quả tiêu cực, như là khủng hoảng nhà đất của nhiều năm trước đây và việc này liên quan cả ngành ngân hàng. Vừa rồi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo thanh tra các ngân hàng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

“Tôi chưa đồng ý với Bộ trưởng về giá xăng dầu”, ĐBQH Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) thẳng thắn. “Kinh tế của chúng ta là kinh tế thị trường định hướng XHCN, cho nên can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều, tôi cho là nó không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá đó tự nhiên theo giá tăng - giảm của thế giới, chúng ta có can thiệp thì chúng ta can thiệp phần nào thôi. Ở đây có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta giảm cái này nó lại ảnh hưởng đến xuất khẩu và các vấn đề khác. Tôi nghĩ sự can thiệp cũng đúng mức…”, đại biểu Nguyễn Văn Thân nói.

Rõ ràng, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thử thách như thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã ban hành theo thẩm quyền hoàn thiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nhiều nghị quyết và triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm nguồn thu, đáp ứng nhiệm vụ chi. Đặc biệt, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 30.1.2022, khoảng hơn 20 ngày sau, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để triển khai thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, qua đó, đã giảm bớt áp lực tăng giá hàng hóa. Hiện Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã cơ bản hoàn thành các cơ chế, chính sách và tích cực triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến hết tháng 5 vừa qua, đã thực hiện khoảng 33,5 nghìn tỷ đồng, trong đó miễn, giảm thuế, phí 22,6 nghìn tỷ đồng, đạt khoảng 35% kế hoạch. Đây là những kết quả rất đáng ghi nhận, trong đó có vai trò tham mưu của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, đúng như những hạn chế, tồn tại đại biểu đã chỉ ra, rõ ràng lĩnh vực tài chính đang đặt ra những vấn đề cần được nhìn nhận, đánh giá và giải quyết một cách thực sự căn cơ hơn nữa, không dừng ở việc xử lý những “sự vụ”, mà cần có tầm nhìn dài hơi hơn, chủ động, khẳng định rõ nét vị thế, vai trò của một Bộ được giao quản lý nhà nước về tài chính, ngân sách - lĩnh vực trọng yếu không thể thiếu của bất kỳ quốc gia nào.

Yêu cầu và đòi hỏi này được thể hiện rõ trong khá nhiều “đầu việc” liên quan đến lĩnh vực tài chính mà Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, có các giải pháp hiệu quả để khắc phục trong phát biểu kết luận phiên chất vấn về nhóm vấn đề này chiều qua.

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/binh-tinh-cau-thi-trach-nhiem-i291566/