Bình tĩnh đón tết trung thu trong mùa dịch
Là một trong những dịp được đón chờ nhất trong năm, Tết Trung thu luôn mang theo niềm vui, sự háo hức cho các bạn nhỏ khắp nơi. Tuy nhiên đại dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp nên việc tổ chức đón trăng rằm không diễn ra rầm rộ, nhộn nhịp như những năm trước.
Những năm trước đây, vào những ngày gần đến Rằm tháng Tám, trên khắp các tuyến đường không khí mua sắm đã trở nên tấp nập. Dọc con đường Lê Hoàn, Nguyễn Trãi... (TP Thanh Hóa), hàng chục điểm hàng bán đồ chơi trung thu đua nhau bày ra đủ loại hàng hóa màu sắc bắt mắt. Vào cuối buổi chiều nhiều em bé náo nức theo bố mẹ ghé vào chọn lựa món đồ ưng ý nhất, tiếng cười nói ríu rít.
Các cơ sở làm bánh trung thu truyền thống phục vụ khách hàng dịp Rằm tháng tám.
Là tết của tình thân, gợi lên sự đoàn viên gia đình, những chiếc bánh trung thu gồm 2 loại bánh nướng, bánh dẻo như một sự gửi gắm ước vọng, sự mong mỏi về một cuộc sống bình yên, viên mãn. Chính vì vậy vào dịp này, ai cũng kiên nhẫn chờ đợi khá lâu để mua bằng được cặp bánh, trước là dâng ông bà tổ tiên, sau là cùng nhau quây quần thưởng thức. Bằng tài chế biến của người thợ, sự nóng hổi ngào ngạt hương thơm từ những mẻ bánh mới ra lò khiến cho những dãy phố Trần Phú, Tống Duy Tân, Trường Thi (TP Thanh Hóa) cũng trở nên đông đúc, tấp nập.
Năm nay là một năm đặc biệt, Tết Trung thu không được rộn ràng như những năm trước. Hình ảnh thân quen từ những giây phút sum họp vui vẻ ca hát, nhảy múa, rước đèn rồi cùng nhau phá cỗ tại các khu dân cư có lẽ chỉ hy vọng sẽ được gặp lại ở những mùa trung thu sau.
Tại TP Thanh Hóa quy định không tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu tại cơ quan, đơn vị, trường học, cộng đồng dân cư, khu vực tập trung đông người, khu vực công cộng, cơ sở điều trị, cơ sở cách ly y tế... đã phần nào khiến hoạt động Tết Trung thu của các em bớt đi phần rộn rã.
Chị Lê Thu Hiền, phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) cho biết: “Mọi năm vào những ngày này gia đình tôi và một số nhà trong xóm sẽ dành một vài buổi để làm đèn ông sao, tân trang lại không gian chung của xóm và mua đồ lễ để tổ chức cho các con vui hội trăng rằm. Năm nay thì nhà nào làm tại nhà nấy thôi. Các cháu nhỏ lúc đầu cũng hỏi bố mẹ về chương trình trung thu của xóm phố nhưng khi được giải thích, các con cũng hiểu và vui vẻ”.
Tại một số trường học, thay vì dành một khoảng thời gian để tổ chức vui trung thu cho học sinh toàn trường, năm nay niềm vui ấy sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn. Ở mỗi lớp, cô giáo và các học sinh sẽ dành cho nhau những chia sẻ, những lời ca tiếng hát hay mỗi câu chuyện về ngày Tết trẻ em.
Nhiều gia đình tự làm đèn ông sao để tổ chức vui Trung thu cho con cháu của mình.
Làng nghề Mật Sơn, phường Đông Vệ (TP Thanh Hóa) mọi năm vào những ngày này không khí lao động sản xuất trở nên hối hả để kịp các đơn hàng, những chiếc đèn kéo quân cỡ lớn và hàng nghìn chiếc đèn ông sao cỡ nhỏ được các cơ sở nhanh chóng vận chuyển đi khắp các địa phương trong tỉnh thì năm nay hầu hết các xưởng tại làng nghề đều dừng hoạt động, hoặc nếu có làm thì cũng chỉ sản xuất cầm chừng.
Bà Châu Thị Thanh, chủ một cơ sở sản xuất lớn tại khu phố Mật Sơn 2 cho biết: “Năm nay vì điều kiện không thuận lợi nên chúng tôi quyết định không nhập nguyên vật liệu và dừng sản xuất hàng trung thu. Việc dừng hoạt động giúp tránh bị tồn hàng, nhưng ảnh hưởng nhiều tới thu nhập”.
Các cơ sở làm bánh trung thu truyền thống cũng đón một mùa Trung thu không thật tất bật như những năm trước. Thay vì hàng nghìn chiếc bánh được làm ra mỗi ngày, năm nay con số giảm đi đáng kể. Việc sản xuất, tiêu thụ bánh chỉ tăng mạnh vào những ngày cận kề rằm tháng tám.
Tết Trung thu đem đến niềm vui không chỉ cho các em nhỏ mà còn là niềm vui đoàn viên cho tất cả mọi người. Thế nhưng trong điều kiện đặc biệt này rất mong ở tất cả chúng ta một sự cộng đồng, sẻ chia, để bệnh dịch không bùng phát.