Bình tĩnh kiểm chứng thông tin 'ba con bị tai nạn', 'con cấp cứu ở viện'

Trong tháng 3-2023, nhiều địa phương trong cả nước rộ lên tình trạng các đối tượng giả danh giáo viên thể dục, nhân viên y tế trong trường học… điện thoại cho người thân, cha mẹ học sinh thông báo con em bị té ngã trong trường dẫn đến chấn thương sọ não đang cấp cứu ở bệnh viện, gia đình phải chuyển tiền gấp để cấp cứu.

Nâng cao cảnh giác cho phụ huynh, học sinh trước các thủ đoạn lừa đảo

Nâng cao cảnh giác cho phụ huynh, học sinh trước các thủ đoạn lừa đảo

Theo thông tin trên vietnamnet.vn, với chiêu lừa này, chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ đầu tháng 3-2023 đến nay, Công an TP.HCM đã ghi nhận 14 trường hợp phụ huynh học sinh bị lừa đảo với số tiền lên đến 825 triệu đồng. Vụ việc không chỉ xảy ra ở TP.HCM mà lan sang cả Hà Nội và một số tỉnh, thành miền Trung.

Nhiều người khi nhận được điện thoại trong vụ “con cấp cứu ở viện” cho rằng, dù đã có nghe khuyến cáo trên báo chí và luôn cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội cũng như điện thoại, tin nhắn…, nhưng tâm lý chung khi tiếp nhận thông tin về con em mình cấp cứu ở viện thì rất hoang mang, lo lắng khi các đối tượng này dựng kịch bản rất thực như: có thêm nhân vật đóng vai bác sĩ để nói về chuyên môn, lồng tiếng xe, tiếng băng ca chạy, tiếng leng keng của các thiết bị y tế va vào nhau…

Khi bị đẩy vào khung thời gian cấp bách, người nghe rất dễ làm theo hướng dẫn của các đối tượng lừa đảo. Một số người may mắn dứt ra được chiêu lừa sau một hồi bình tĩnh kiểm chứng thông tin, nhưng cũng không tránh được một phen hú vía.

Chiêu lừa “con cấp cứu ở viện” chưa hạ nhiệt thì mới đây, báo chí lại thông tin trường hợp đối tượng lạ mặt xuất hiện ở cổng trường báo với học sinh “ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đi bệnh viện”. Rất may, học sinh này đã không bị lừa vì ba học sinh này đã mất.

Hai chiêu lừa dù khác nhau về kịch bản nhưng có chung một thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm. Đó là chạm đến tình cảm thiêng liêng trong gia đình, giữa cha mẹ với con, giữa con với cha mẹ; sử dụng đòn tâm lý, lợi dụng sự lo lắng, bất an tột cùng khi phải đối mặt với ngưỡng cửa sinh - tử của người thân hòng thực hiện ý đồ xấu.

Qua theo dõi các vụ việc và khuyến cáo của lực lượng công an, giải pháp để người dân không sụp bẫy các chiêu trò lừa đảo này là bình tĩnh kiểm chứng thông tin. Khi các đối tượng lừa đảo càng đặt người dân vào thế cấp bách, thì người dân càng phải thật bình tĩnh, không làm theo hướng dẫn. Dừng lại một phút để liên hệ, xác minh, kiểm chứng sự việc là công thức chung chuyên “trị” hầu hết các chiêu trò lừa đảo xuất hiện từ mạng xã hội cho đến ngoài đời thật.

Ngoài ra, nhà trường, các phương tiện truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền thông tin khuyến cáo đến phụ huynh, học sinh và người dân, góp phần nâng cao nhận thức, kỹ năng cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi.

Quan trọng nhất, lực lượng công an cần nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ, xử lý các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, công khai các hình thức xử lý vi phạm nhằm răn đe với những ai có ý định thực hiện các hành vi tượng tự.

Ngành chức năng, nhà trường và các đơn vị liên quan cũng không thể bỏ qua việc rà soát, điều tra làm rõ khe hở về lộ lọt thông tin cá nhân, từ đó có biện pháp ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo tiếp theo, góp phần đảm bảo an ninh trong trường học nói riêng và xã hội nói chung.

Lâm Viên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/binh-tinh-kiem-chung-thong-tin-ba-con-bi-tai-nan-con-cap-cuu-o-vien-3162190/