Bình tĩnh mua sắm, tránh tái diễn tình trạng bất ổn thị trường hàng hóa phòng chống dịch COVID-19
Ngay sau thông tin Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính virus COVID-19 kèm theo những diễn biến dịch bệnh mới khó lường, người dân đã rục rịch đi mua khẩu trang, nước sát khuẩn miệng họng, nước rửa tay dự phòng để sẵn sàng chống chọi nếu có đợt dịch cao điểm mới. Đã có dấu hiệu xáo trộn thị trường thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm khi giá cả một số mặt hàng đã tăng. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngay sau thông tin Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính virus COVID-19 kèm theo những diễn biến dịch bệnh mới khó lường, người dân đã rục rịch đi mua khẩu trang, nước sát khuẩn miệng họng, nước rửa tay dự phòng để sẵn sàng chống chọi nếu có đợt dịch cao điểm mới. Đã có dấu hiệu xáo trộn thị trường thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm khi giá cả một số mặt hàng đã tăng.
Qua tìm hiểu của phóng viên, các cửa hàng thuốc trên địa bàn tái xuất hiện tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế; nhiều cửa hàng thông báo không có hàng và giá bán tăng đột biến, dao động từ 70-200 nghìn đồng/hộp tùy loại. Tại cửa hàng thuốc Mỹ Nhung, chị Trần Thùy Linh mua 5 hộp khẩu trang vì lo “đến lúc dịch bệnh lây lan mạnh thì không còn khẩu trang để mua”. Nhiều khách hàng khác cũng vội mua nhanh khẩu trang y tế, nước sát khuẩn. Tại hầu hết các cửa hàng thuốc trên địa bàn đều ghi nhận nhu cầu mua khẩu trang y tế, thuốc sát khuẩn tăng mạnh. Chị Trần Thị Hường, nhân viên bán hàng quầy thuốc trên đường Hoàng Văn Thụ (thành phố Nam Định) cho biết: Trong vòng một buổi chiều đã có hàng chục người vào hỏi mua khẩu trang y tế 2-4 lớp với số lượng lớn. Nhiều người hỏi mua tận 5-10 hộp (50 chiếc/hộp). Nhưng vì quầy thuốc chưa liên hệ đặt hàng với nhà cung cấp được nên chỉ bán mỗi người 1-2 hộp. Trên các trang bán hàng online, mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn trở nên “hot”. Ngày đầu phát hiện dịch COVID-19 xuất hiện trở lại, các trang bán hàng đều rất nhã nhặn tiếp thị khẩu trang y tế chuẩn với giá bán 60 nghìn đồng/hộp. Nhưng ngay ngày hôm sau đã liên tục điều chỉnh thông báo giá khẩu trang lên 100-200 nghìn đồng/hộp. Nếu tình hình này tiếp diễn, dự đoán, chỉ trong vài ngày tới, mặt hàng khẩu trang y tế sẽ “cháy” và giá tăng cao nếu tiếp tục có thông tin thêm ca bệnh ở Đà Nẵng. Ngoài khẩu trang, thiết bị y tế, nhóm hàng lương thực, thực phẩm như mì tôm, gạo, đồ khô cũng có dấu hiệu mua bán tăng bất thường, giá bán vì thế cũng rục rịch tăng ở một vài nơi. Tại đại lý hàng công nghệ phẩm Nam Sơn trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) người mua gạo, mì tôm, bún khô, bột mì, đường, sữa… tăng nhanh. Trước tình hình này Cục Quản lý thị trường (QLTT) có văn bản hỏa tốc yêu cầu các Đội QLTT trực thuộc khẩn trương kiểm soát chặt chẽ thị trường, chủ động giám sát hoạt động kinh doanh, nghiêm cấm tình trạng găm hàng, ép giá, buôn bán nhóm hàng lương thực, thực phẩm, khẩu trang giả, kém chất lượng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời tổ chức kiểm tra các nhà thuốc trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn tình trạng “găm hàng”, tăng giá cao bất thường các mặt hàng phục vụ chống dịch; yêu cầu người bán hàng ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hành nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ…
Trong đợt cao điểm dịch bệnh COVID-19 trước đây, lực lượng QLTT đã xử phạt nghiêm những cơ sở kinh doanh đầu cơ tích trữ, tăng giá khẩu trang, thiết bị y tế, trục lợi người tiêu dùng trong khi dịch bệnh hoành hành. Thực tế, nhiều người tiêu dùng cũng đã có bài học kinh nghiệm về việc chi phí quá nhiều tiền cho việc mua tích trữ hàng hóa, lương thực, thực phẩm cũng như nỗi khổ giải quyết lượng hàng hóa “găm” để phòng dịch. Tuy nhiên đến nay vẫn có nhiều người tiêu dùng lặp lại phản xạ vội mua gom hàng theo cảm tính. “Hiệu ứng đám đông” sẽ tạo cơ hội cho người kinh doanh trục lợi. Tình trạng này cần cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý kịp thời để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên biện pháp tiên quyết là người dân phải tự trang bị kiến thức, bình tĩnh mua sắm, tránh tình trạng đẩy mình vào thế khó và góp phần gây bất ổn thị trường./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương