Bình Xuyên chú trọng kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ
Bình Xuyên là địa phương tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ có quy mô nhỏ, hoạt động tự phát nên ý thức chấp hành các quy định của pháp luật còn hạn chế. Vì thế, công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, không để phát sinh các điểm "nóng" trong khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản luôn được Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm thực hiện.
Trên địa bàn huyện Bình Xuyên hiện có gần 90 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Trong đó, có 6 doanh nghiệp, hơn 80 cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ là gia đình, cá nhân, tập trung ở các xã, thị trấn Thanh Lãng, Hương Sơn, Trung Mỹ...
Để hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ đi vào nền nếp, hằng năm, Hạt Kiểm lâm chỉ đạo cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh, chế biến gỗ cho chủ các cơ sở.
Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, Hạt phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Từ năm 2020 đến nay, Hạt đã tổ chức hàng chục đợt thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ về hồ sơ lâm sản, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào; việc ghi chép vào sổ nhập - xuất lâm sản của các cơ sở…
Qua các đợt thanh tra, kiểm tra, hầu hết các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn huyện đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hồ sơ, thủ tục trong kinh doanh, chế biến gỗ; không có dấu hiệu vi phạm việc đưa gỗ không có nguồn gốc hợp pháp vào kinh doanh, chế biến.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ chưa thực hiện đầy đủ việc vào sổ nhập - xuất lâm sản theo quy định. Hạt đã tiến hành nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở cách ghi sổ nhập - xuất lâm sản và yêu cầu chủ các cơ sở phải thực hiện ghi sổ hằng ngày. Đồng thời, kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp tái phạm.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bình Xuyên Nguyễn Văn Vĩnh cho biết: Việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn huyện được thực hiện tương đối nghiêm túc, thuận lợi, nhất là từ sau khi Thông tư số 27 của Bộ NN&PTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hiệu lực.
Tại các cơ sở, nguồn gốc nguyên liệu đưa vào kinh doanh, chế biến chủ yếu là gỗ rừng sản xuất và gỗ nhập khẩu được mua lại của các công ty kinh doanh gỗ trong và ngoài tỉnh. Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp của chủ các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, chế biến gỗ trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ Trung Huy, thị trấn Thanh Lãng sản xuất chủ yếu các sản phẩm giường, tủ, bàn, ghế, án gian… Từ khi đi vào hoạt động, cơ sở đã ý thức rõ việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng gỗ đầu vào sẽ giúp cơ sở phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Anh Nguyễn Trung Huy, chủ cơ sở cho biết: “Mỗi lô hàng khi cơ sở nhập về đều có hóa đơn, bảng kê khối lượng, hồ sơ nguồn gốc lâm sản, tờ khai hải quan, giấy kiểm dịch thực vật… Cơ sở tuyệt đối không mua, nhập gỗ không rõ nguồn gốc. Bởi nếu nhập gỗ không rõ nguồn gốc vừa vi phạm pháp luật lại ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và uy tín của cơ sở”.
Nhờ kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ, nhiều năm qua, huyện Bình Xuyên không có điểm “nóng”, điểm nổi cộm trong khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ sản xuất, kinh doanh và chế biến gỗ trên địa bàn phát triển ổn định, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.