Bình Xuyên tập trung quy hoạch, mở rộng phát triển các cụm công nghiệp
Với vị trí địa lý nằm giữa 2 thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và gần trung tâm chính trị của tỉnh, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư kết nối thuận lợi, huyện Bình Xuyên có nhiều lợi thế để phát triển các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN). Nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng các sản phẩm phụ trợ phục vụ sự phát triển của các KCN, tạo thành chuỗi liên kết phát triển CN – TTCN trên địa bàn, huyện đã sớm xây dựng phương án phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Theo quy hoạch định hướng phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh, huyện Bình Xuyên có 2 CCN là CCN Hương Canh và CCN làng nghề Thanh Lãng. Trong đó, CCN Hương Canh là cụm hình thành tự phát từ năm 2010 khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thuê đất để sản xuất kinh doanh (SXKD) đã được UBND tỉnh giao thuê đất với diện tích quy hoạch là 40 ha.
Đến nay, tỷ lệ lấp đầy trong CCN này đạt 100%, có 6 DN SXKD bao gồm Công ty Cổ phần Prime Vĩnh Phúc, Công ty Cổ phần Giấy và bao bì Bình Xuyên, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Word Chermiacal, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Đại Phúc và Công ty TNHH Geotech Việt Nam, hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động với mức thu nhập bình quân 8 – 10 triệu đồng/người/tháng.
Do chưa được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập nên hiện nay trong CCN này không có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.
CCN làng nghề Thanh Lãng (trước đây là CCN Thanh Lãng) được UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 337 ngày 31/1/2005 với diện tích 17,6 ha và được triển khai xây dựng từ năm 2011.
Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, xảy ra khiếu kiện kéo dài do nhân dân không đồng thuận nên phải tạm dừng và sau đó đã được tỉnh thực hiện điều chỉnh quy hoạch, triển khai dự án từ năm 2019.
Đến nay, trong CCN này đã đầu tư xây dựng xong cơ sở hạ tầng đồng bộ với diện tích 7,6 ha. Hiện, UBND huyện Bình Xuyên đang giao cơ quan chuyên môn xây dựng phương án bốc thăm giao, đấu giá, thuê đất cho các đối tượng là các hộ tiểu thương... để hoạt động SXKD.
Mặc dù vậy, do diện tích của CCN này chưa đủ để thành lập CCN theo Quy định của Nghị định số 68 của Chính phủ (diện tích tối thiểu 10 ha) nên cần phải mở rộng thêm diện tích CCN.
Ngoài ra, tại thị trấn Đạo Đức, chưa có trong quy hoạch phát triển CCN song, hiện nay, đã có 5 DN đang SXKD với diện tích thuê khoảng 5 ha gồm Công ty Cổ phần TM XNK Tùng Mai; DN tư nhân chè Thanh Quang; Công ty TNHH Ngọc Minh; Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc và Công ty TNHH MTV G.Home.
Được biết, Công ty Cồ phần Tập đoàn Quế Lâm đã xin UBND tỉnh lập quy hoạch phát triển CCN, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện.
Hiện nay, do CCN Hương Canh đã lấp đầy, không còn quỹ đất để mở rộng quy mô SXKD nên UBND huyện Bình Xuyên đã đề nghị không đưa vào Phương án phát triển các CCN trên địa bàn huyện đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Đồng thời, theo nhu cầu phát triển của huyện Bình Xuyên và quy hoạch sử dụng đất của huyện đã định hướng quy hoạch, mở rộng diện tích CCN làng nghề Thanh Lãng. Bởi hiện nay, tại thị trấn này có 3 làng nghề mộc truyền thống là Yên Lan, Xuân Lãng và Hợp Lễ với số hộ làm nghề mộc là 872 hộ với hơn 2.600 lao động.
Để phát triển tiềm năng và thế mạnh của làng nghề mộc truyền thống, từng bước đưa các hộ dân làm nghề mộc ra ngoài CCN, giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu dân cư thì việc mở rộng diện tích quy hoạch CCN làng nghề này là rất cần thiết.
Do vậy, huyện định hướng quy hoạch mở rộng diện tích CCN này thêm khoảng 45 ha. Ngoài ra, hiện nay, trên địa bàn huyện có rất nhiều các DN xin thuê đất với mục đích SXKD, cung cấp các linh kiện phụ trợ cho các DN trong các KCN trên địa bàn.
Xuất phát từ nhu cầu đó, UBND huyện định hướng quy hoạch mới CCN Đạo Đức với diện tích khoảng 30 ha, trong đó, 5 ha đã hình thành các DN và CCN Bá Hiến – Trung Mỹ diện tích 50 ha.
Việc tập trung quy hoạch, hoàn thiện phương án mở rộng, phát triển các CCN trên địa bàn huyện Bình Xuyên không chỉ giúp điều chỉnh, phân bố lại quy hoạch các CCN gắn kết với sự phát triển của các KCN trên địa bàn mà còn hoàn thiện, chỉnh trang các CCN hiện có và phát triển các CCN mới với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất của tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, sớm di dời các DN, hộ gia đình trong khu dân cư vào sản xuất tập trung.
Qua đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư và thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện, hiện thực hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.