Bình yên, hạnh phúc cho trẻ em

Công tác giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã và đang được các cấp, ngành, các địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm.

Nhiều chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước như chăm sóc thường xuyên đối với trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phòng chống tai nạn thương tích, chống bạo hành trẻ em...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), trung bình mỗi năm cả nước phát hiện khoảng 2.000 vụ bạo hành trẻ em.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số gia đình chưa dành nhiều thời gian quan tâm đến con em mình hoặc nhiều người còn quan niệm "yêu cho roi, cho vọt"; còn những người xung quanh có tâm lý "đèn nhà ai nhà nấy rạng", không quan tâm hoặc ngại lên tiếng can thiệp. Nguồn lực đầu tư cho trẻ em ở địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; mạng lưới dịch vụ trợ giúp trẻ em tại cộng đồng còn thiếu và yếu. Nhiều vụ bạo hành dã man trẻ em lại do chính những người làm cha, làm mẹ, người thân trong gia đình gây ra, khiến trẻ bị thương tật, thậm chí bị tử vong...

Hiện chúng ta có 17 cơ quan bảo vệ trẻ em; có trách nhiệm phòng, chống, giải quyết các vấn đề xâm hại trẻ em theo Luật Trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56 của Chính phủ năm 2017, Nghị định số 80 năm 2017 của Chính phủ về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện với trẻ em phòng chống bạo lực học đường. Ngày 7-1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 23/QĐ-TTg, phê duyệt "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030", theo đó cả nước phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại xuống còn dưới 4,5% vào năm 2025 (hiện nay là 5%).

Để ngăn chặn tai nạn thương tích và bạo hành trẻ em, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học mới 2023-2024, yêu cầu, cơ sở giáo dục có giải pháp phòng chống tai nạn thương tích, chống bạo hành trẻ em. Theo đó, trong năm học mới 2023-2024 các địa phương nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật đối với cơ sở giáo dục mầm non. Đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, chú trọng kiểm tra điều kiện bảo đảm chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, có biện pháp kịp thời đối với cơ sở chưa bảo đảm theo quy định.

Định hướng đã rõ, quan trọng là cách thực hiện. Thế nên cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao đạo đức nghề nghiệp của chủ cơ sở trông giữ trẻ và bảo mẫu, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ngành Giáo dục, cần làm tốt công tác giám sát, kiểm tra. Cơ sở nào đủ các điều kiện thì cấp phép cho hoạt động tiếp, ngược lại thì đình chỉ và rút giấy phép ngay. Lực lượng giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn, bao gồm công an cơ sở, cần tăng cường công tác nắm tình hình thông qua người dân, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường tại các cơ sở trông giữ trẻ.

Một giải pháp đang được triển khai hiệu quả ở nhiều địa phương, đã đến lúc cần đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng đó là lắp hệ thống camera giám sát từ cơ sở giữ trẻ tới trụ sở công an xã, phường. Hệ thống này phải được hoạt động thường xuyên, bảo trì liên tục, lắp đặt ở nhiều góc độ, giúp ngăn ngừa các hành vi bạo hành trẻ từ bảo mẫu.

Các ngành chức năng cũng cần thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Đồng thời, nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em, đặc biệt lắng nghe ý kiến đóng góp của trẻ, coi trẻ như những người tham gia tích cực với đầy đủ quyền. Đây cũng là hoạt động có vai trò quan trọng trong việc tạo ra một thế giới mà ở đó trẻ em không bị bạo lực - một thế giới chỉ có bình yên và hạnh phúc.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/binh-yen-hanh-phuc-cho-tre-em-640616.html