Bình yên nhà vườn Huế
Không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng hữu tình mà xứ Huế còn đặc biệt hấp dẫn với chiều sâu của vẻ đẹp văn hóa tinh thần kết đọng nhuần nhị nơi mỗi nét kiến trúc. Cùng với các lăng tẩm trầm mặc, hoàng thành cổ kính, những ngôi nhà vườn yên ả thanh bình đã làm nên 'thành phố nhà vườn' Huế.
Vẻ đẹp này thể hiện ở sự hài hòa giữa công trình kiến trúc với môi trường tự nhiên, tạo nên một thể thống nhất, chặt chẽ mà vẫn nên thơ, trữ tình.
Nằm bên dòng sông Hương, Kim Long hiện là một phường thuộc thành phố Huế. Vào giữa thế kỷ 17, đất Kim Long trở nên phồn thịnh khi được lựa chọn làm thủ phủ của chúa Nguyễn. Đến thời các vua nhà Nguyễn (1802-1945), khi kinh đô được chuyển về Phú Xuân, thì Kim Long với cảnh quan đẹp đã trở thành nơi tập trung những dinh thự của các ông hoàng bà chúa và quan lại đầu triều. Chính vị thế chính trị quan trọng này mà nhà vườn ở Kim Long mang trong nó những giá trị văn hóa đặc biệt và độc đáo.
Nhà vườn Huế - hòa sắc giữa con người và thiên nhiên
Được xây theo quy tắc “phong thủy”, nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc-Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng được xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận.
Bình phong cũng thường xây bằng gạch. Sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ, một mảnh sân rộng rồi mới đến nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây, hoa, quanh năm tươi tốt.
Trong khu nhà vườn ấy, không thể không nói tới ngôi nhà rường cổ. Nhà rường thường được làm bằng gỗ, được cầu kỳ hóa bằng nhiều nét văn hoa chạm trổ. Trong liên kết của kết cấu nhà, thay cho đóng đinh là kỹ thuật mộng tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu...
Rường là cách nói ngắn gọn của rường cột, nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo dỡ dễ dàng. Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hài hòa hợp lý, tạo cho nhà rường cái thần thái riêng biệt.
Nhìn cảnh quan một nhà vườn Huế, người ta dễ dàng nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân. Ngôi nhà và khu vườn ấy còn là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của chủ nhân, gọi là thú chơi vườn. Nhà vườn Huế thể hiện sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả bổ sung cho nhau để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.
Quý phái nhà vườn An Hiên
Là một trong những nhà vườn nổi tiếng nhất ở Huế, An Hiên được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19. Ban đầu, ngôi nhà thuộc về công chúa thứ 18 của vua Dục Ðức. Năm 1920, An Hiên thuộc quyền quản lý của ông Tùng Lễ. Năm 1936, Tuần phủ Hà Tĩnh Nguyễn Đình Chi là chủ sở hữu của ngôi nhà được bán lại từ ông Tùng Lễ. Năm 1940, Nguyễn Đình Chi qua đời và để lại khu nhà vườn cho bà Đào Thị Xuân Yến (vợ ông) quản lý.
Bà Đào Thị Xuân Yến cũng là chủ sở hữu dài nhất và là người đưa nhà vườn An Hiên phát triển mạnh hơn cả. Sinh thời, ông Đình Chi và bà Xuân Yến đều là những người có địa vị và uy tín trong xã hội, có những mối quan hệ rộng rãi nên An Hiên trở thành nơi thường lui tới của biết bao tao nhân mặc khách, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như nhạc sĩ phạm Tuyên, nhà thơ Chế Lan Viên, nhà thơ Huy Cận, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Mặc dù đã trải qua hơn một thế kỷ tồn tại nhưng không gian kiến trúc của ngôi nhà vẫn giữ được những nét cổ xưa của nó cho đến nay.
Đúng như cái tên An Hiên, đặt chân đến nơi đây, ta được thả hồn mình trong một không gian bình yên, thư thái đến lạ kỳ. Nhà vườn An Hiên là công trình kiến trúc tiêu biểu của nhà vườn Huế. Tổng thể không gian nhà An Hiên được quy hoạch tuân thủ theo những nguyên tắc phong thủy truyền thống của phương Đông và xứ Huế. Toàn bộ khuôn viên nhà rộng gần 5 ngàn mét vuông luôn xanh mướt một màu cây lá khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng như những cảm xúc của thi sĩ Hàn Mặc Tử khi nhớ về xứ Huế: “Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”.
Cổng vào mang dáng vẻ khiêm nhường nhưng lại cho thấy sự cao quý của ngôi nhà và gia chủ. Cổng được xây bằng gạch cuốn vòm với những đường nét cổ kính và trang trí bằng biểu tượng linh vật, câu đối. Phía trên vòm cổng là bức cuốn thư nổi có chữ “An Hiên”.
Từ cổng dẫn vào nhà là một lối nhỏ với hai hàng bạch mai được uốn thành vòm rất thơ mộng. Vẻ rêu phong và thanh khiết của những cây bạch mai làm cho không gian nhà An Hiên trở nên sâu lắng. Nằm ở trung tâm là ngôi nhà có kiến trúc 3 gian 2 chái. Nhà rộng 135 m2, mái lợp ngói liệt nhiều lớp, bờ nóc hai bên đắp biểu tượng linh vật rồng, ở giữa đỉnh mái đắp nổi hình hoa lá. Ngôi nhà rường có tất cả 48 cột, cùng hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ mít, đòn tay gỗ kiền kiền, ván ngăn trong nhà gỗ lim. Các cột được kê trên bệ đá.
Không gian ngôi nhà được phân chia theo chức năng sử dụng. Chính giữa là gian thờ và nơi tiếp khách. Ban thờ được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật, hậu linh”, tức trước thờ Phật, phía sau thờ tổ tiên. Hai gian hai bên là nơi tiếp khách theo nguyên tắc “tả nam hữu nữ” (nam bên trái, nữ bên phải). Hai chái nhà cũng tương tự, là nơi ở và sinh hoạt của nam (bên trái) và nữ (bên phải).
Ngôi nhà có nhiều kỷ vật quý của cung đình triều Nguyễn. Đó là bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban cho gia đình năm 1937, hiện treo ở gian giữa và nhiều bài thơ của vua Thành Thái, hiện cũng được treo ở nơi tiếp khách trong nhà. Phần sân trước ngôi nhà rường 3 gian 2 chái là hồ nước thả hoa súng, cá chép hồng. Trước hồ nước là bức bình phong, giữa là chữ “Trường Thọ”, hai bên là chữ “Song Hỷ” đều thể hiện theo quy chuẩn kiến trúc và phong thủy của công trình.
Nhà rường An Hiên không cuốn hút ở vẻ bề thế mà hấp dẫn ở những đường nét kiến trúc được chạm trổ tinh tế thành những hoa văn tinh xảo là tứ quý, hay linh vật tượng trưng cho sự trường thọ và phồn thịnh. Chúng không những làm cho các kết cấu thô ráp trở nên mềm mại mà còn cho thấy quan niệm thẩm mỹ và thân thế cao quý của gia chủ. Toàn bộ hệ khung kết cấu nhà được làm bằng nhiều loại gỗ quý và liên kết mộng hoàn toàn.
Không chỉ là một ngôi nhà độc đáo lưu dấu nhiều thế hệ danh gia vọng tộc, An Hiên còn là một không gian sinh thái, là nơi hội tụ hương sắc 4 mùa. Nhiều loại cây quý hiếm của 3 miền được đưa về đây tụ hội. Vẻ đa sắc của khu vườn vừa cho thấy công phu chăm sóc, vừa thể hiện sự tinh tế, tài hoa trong giao tiếp xã hội của chủ nhà.
Có những cây rất đặc biệt, như cây hồng Tiên Điền, một loại hồng quý, không có hạt, rất thơm ngon do cụ Nghè Mai - chắt nội đại thi hào Nguyễn Du mang từ quê hương Hà Tĩnh tặng quan tuần phủ Nguyễn Đình Chi hay các cây măng cụt Giang Châu, một loại quả nổi tiếng xứ Huế chuyên để dâng tiến vua.
Nhà vườn An Hiên là một kiến trúc mẫu mực của thể loại nhà vườn xứ Huế. Nhiều du khách đến đây bị quyến rũ bởi vẻ đẹp thanh tao và trang nhã của nhà vườn này. Hơn một trăm năm, trải qua bao vật đổi sao dời, thịnh suy dâu bể, những thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thời gian, giờ đây nhà vườn An Hiên vẫn là một chốn bình yên, một địa chỉ văn hóa và một điểm dừng chân quen thuộc của những du khách đến với đất cố đô.
Ngôi nhà vườn bình dị
Rời An Hiên, du khách tiếp tục khám phá những vẻ đẹp đa dạng của nhà vườn Kim Long. Ngoài loại hình nhà rường dành cho giới quý tộc cao cấp thì ở đây còn có những nhà vườn mang nét đặc trưng của tầng lớp bình dân. Trong đó nổi bật là nhà vườn của ông Đoàn Kim Khánh. Tổng thể không gian khu vườn rộng hơn 5 ngàn mét vuông được trồng nhiều loại cây trái xanh mát.
Từ cổng là lối dẫn vào nhà với hai hàng chè tàu được gia chủ cắt tỉa gọn gàng, tạo cảm giác thân thuộc và mến khách. Tuy không có sự đa sắc như vườn An Hiên nhưng vườn cây trái xung quanh lại rất đặc trưng cho một khu vườn xứ Huế. Trong vườn trồng nhiều loại cây dân dã và quen thuộc của miền Trung nhưng chủ yếu là hồng và cherry.
Nằm ở trung tâm khu vườn là ngôi nhà có kết cấu ba gian hai chái. Như nhiều nhà rường ở Kim Long, kết cấu kiến trúc của ngôi nhà cũng được làm bằng các loại gỗ tốt như kiền kiền, trắc. Hệ thống cột cái và cột quân chia không gian nhà làm 3 phần: gian chính giữa và hai gian bên dành cho thờ phụng và tiếp khách. Tuy không có những đường nét sang trọng nhưng kiến trúc nội thất ngôi nhà cũng được chăm chút với nhiều hoa văn trang trí cách điệu, từ hoa lá cho đến linh vật đều được chạm trổ khá tinh xảo, phần nào thể hiện được khát vọng về sự vững bền và trường thọ.
Năm 2017, ngôi nhà của ông Đoàn Kim Khánh được tỉnh Thừa Thiên - Huế lựa chọn để hỗ trợ kinh phí trùng tu trong chương trình bảo tồn di sản nhà vườn của tỉnh.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, giờ đây những ngôi nhà vườn ở Kim Long không chỉ là những chốn bình yên, mà còn là những địa chỉ văn hóa của đất cố đô. Đến đây, mỗi người có thể cảm nhận được một thế giới khác, sâu lắng và bình lặng hơn. Đó là nơi giao hòa giữa thiên nhiên và con người, là nơi lắng lại để trở về với quá khứ.
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/binh-yen-nha-vuon-hue-565659/