Bịt 'kẽ hở' quy định về phát triển, quản lý chung cư mini
Chiều 26/10, thảo luận ở hội trường Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện quy định về phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân.
Quy định chưa phù hợp và khó khả thi
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) bày tỏ ủng hộ việc bổ sung, hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, hay còn gọi là chung cư mini.
Theo đại biểu, việc này vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản, linh hoạt.
Đại biểu cho biết, thực tế, ngay tại các nước phát triển hiện vẫn duy trì loại hình này. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng quy định như tại dự thảo Lúat chưa thật đầy đủ và đang tiếp cận theo hướng ứng xử như đối với trường hợp phát triển dự án nhà ở thương mại, trừ trường hợp xây dựng tòa nhà dưới 20 căn hộ chỉ để cho thuê, đồng thời quản lý sử dụng như nhà chung cư.
“Quy định như vậy chưa thực sự phù hợp và rất khó khả thi. Chẳng hạn, cá nhân thì không thể đáp ứng đầy đủ điều kiện chủ đầu tư dự án nhà ở quy định tại Điều 35 là phải có tư cách pháp nhân, có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án nhà ở. Hoặc nếu quản lý sử dụng theo mô hình quản lý nhà chung cư phải có Ban quản trị, phải có quỹ bảo trì”, đại biểu phân tích.
Từ đó, đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng Nhà nước tập trung quản lý, kiểm soát việc quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng, chống cháy nổ, quá trình giao dịch quản lý, sử dụng không phát sinh tranh chấp.
Đồng thời, đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại hình nhà ở này.
Trong trường hợp dự thảo Luật chưa thể nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê, mua, cấp giấy chứng nhận quản lý, sử dụng.
Phải đặt tính mạng người dân lên trên hết
Cũng góp ý về quy định liên quan đến chung cư mini, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Đoàn Cà Mau) nhận định, chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến với các gia đình trẻ, người đi làm… do diện tích vừa phải, giá bán vừa túi tiền, vị trí phù hợp.
Chung cư mini đã góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở, mưu sinh cho hàng triệu người, nhưng chung cư mini đang cho thấy rủi ro rất lớn đối với người dân và xã hội. Nguyên nhân là những kẽ hở trong luật và quản lý của các cơ quan chức năng.
Theo đại biểu, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ của cá nhân. Điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; không phải thực hiện một số thủ tục như thẩm định thiết kế cơ sở, nghiệm thu công tác phòng cháy, chữa cháy…
Điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu công trình đủ điều kiện khai thác, vận hành… Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trước đó đã lựa chọn cho chủ nhà cấp sổ hồng riêng với từng căn hộ như chung cư thông thường.
“Nếu chính sách này được thông qua, chắc chắn sẽ dẫn đến chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy, việc giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học, y tế, hành chính, dịch vụ cho các hộ gia đình chung cư mi ni sẽ đè nặng tại các đô thị lớn”, đại biểu nói.
Nhấn mạnh yêu cầu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, phải coi trọng đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt của người dân, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo phải đưa các tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện để hình thành, đặc biệt là tiêu chuẩn kỹ thuật để chung cư mini đáp ứng tiêu chuẩn về phòng cháy, chữa cháy, an toàn động đất, đáp ứng được quy hoạch dân cư, giao thông, trường học trên địa bàn.
Đồng thời, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật về xây dựng trên địa bàn, đặc biệt là chung cư mini nhằm đảm bảo đời sống cho người dân.
Bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường tái định cư
Cho ý kiến về về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, đại biểu Nguyễn Thị Hà (Đoàn Bắc Ninh) phân tích, về nguyên tắc lập phương án bồi thường tái định cư, tại khoản 2 Điều 70 dự thảo Luật quy định: Trường hợp lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này thì doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đăng ký làm chủ đầu tư dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư lập phương án bồi thường, tái định cư để các chủ sở hữu nhà chung cư quyết định lựa chọn.
Theo đại biểu, quy định chung chung như vậy sẽ rất khó thực hiện trong thực tế bởi nếu các chủ sở hữu nhà chung cư không thống nhất được phương án bồi thường tái định cư thì sẽ xử lý như thế nào và mức độ đồng thuận sẽ ra sao cũng chưa được nêu rõ.
Do đó, cần quy định ngay trong dự thảo Luật xác định rõ tỷ lệ biểu quyết lựa chọn phương án bồi thường tái định cư của các chủ sở hữu căn hộ. Đồng thời, bổ sung quy định: sau một thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ mà không thống nhất được phương án thì việc bồi thường tái định cư thực hiện theo phương án do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở các nguyên tắc bồi thường tái định cư đã được Luật Nhà ở quy định.
Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho rằng, nếu liệt kê như dự thảo Luật thì những người có thu nhập thấp trong thực tế nhưng không thuộc 12 đối tượng được thống kê trong Điều 76 sẽ không được hưởng chính sách của Nhà nước về nhà ở xã hội. Do đó, đại biểu nhấn mạnh, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, nghiên cứu sửa đổi Điều 76 theo hướng quy định tiêu chí, xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp bất kể họ là ai mà không liệt kê 12 loại đối tượng cụ thể.