Bịt kẽ hở vay online lãi suất khủng
Một số công ty cho vay trực tuyến đang lợi dụng tài chính số để lách luật cho vay online với mức lãi suất lên đến 700%.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, thực chất hoạt động vay online hay vay trực tuyến là cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ, chưa có khung pháp lý để hướng dẫn và quản lý một cách cụ thể. Đây là kẽ hở cho các công ty lừa đảo, tạo ra dư luận xấu trong thời gian qua.
Lãi suất “tín dụng đen”
Theo thống kê, hiện nay phổ biến có 5 loại hình vay vốn của nền kinh tế: vay để kinh doanh và tiêu dùng qua kênh ngân hàng hiện có mức lãi suất 5% – 10%/ năm; Vay qua công ty tài chính có mức lãi suất trung bình 39%/năm; vay cầm đồ lãi suất trung bình 180%; Vay trực tuyến với mức lãi suất trung bình lên đến 468%/năm.
Trong các loại hình vay vốn trên, vay cầm đồ và vay trực tuyến đang được giao dịch dưới dạng thỏa thuận dân sự, không thuộc sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất tối đa trong các hợp đồng vay tài sản các bên được thỏa thuận không quá 20%/năm (tức 1,7%/tháng).
Tuy nhiên, hiện nay, cả hai hình thức cho vay này đều đưa ra mức lãi suất lên tới vài trăm phần trăm một năm.
Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh, lãi suất phổ biến của các tiệm cầm đồ khu vực Hà Nội hiện vào khoảng 3.000-5.000 đồng/triệu/ ngày, tương đương 180%/ năm với khoản vay có tài sản thế chấp.
Thực tế, đây chưa phải là mức lãi suất cao nhất nếu so sánh với lãi suất cho vay trực tuyến đang được nhiều công ty áp dụng trên thị trường.
Trên website Monily. vn quảng cáo các khoản vay trực tuyến sẽ được duyệt trong vòng 15 phút, nộp hồ sơ vay dễ dàng, thủ tục nhanh gọn.
Theo công ty này, nếu vay 2 triệu đồng trong vòng 30 ngày, tỷ lệ lãi suất được tính là 1% –1,2%/ngày, khách hàng phải trả cả gốc và lãi là 2,8 triệu đồng/tháng (tương đương khoảng 365% – 438%/năm).
Còn với những khoản vay lớn hơn, mức lãi suất cũng sẽ cao hơn. Chẳng hạn, khoản vay 10 triệu đồng trong vòng 30 ngày, mức lại suất được đưa ra là 39%/ tháng, tương đương 468%/năm. Sau khi trả đủ gốc và lãi, số tiền lên tới 13,9 triệu đồng.
Ngoài ra, một số công ty niêm yết mức lãi suất là 1,65%/tháng (tương đương 19,8%/năm) để né quy định của Bộ luật Dân sự 2015, nhưng lại thu mức phí dịch vụ cùng phí quản lý khoản vay và phí thẩm định tư vấn khiến chi phí người vay phải chịu đội lên nhiều lần.
Theo các chuyên gia, hình thức cho vay P2P hoạt động có phần giống các tổ chức tín dụng, cũng có cho vay, lãi suất, phí giao dịch nhưng lại là hoạt động của doanh nghiệp, cá nhân nên NHNN không thể quản lý. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để từ đó xây dựng hành lang pháp lý cụ thể cho mô hình này hoạt động.
Quản lý cho vay P2P
Chẳng hạn, NHNN cần có biện pháp để chặn các công ty P2P cho vay lãi suất cao, “tín dụng đen” trá hình. Còn với Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần có quy định cụ thể giữa công ty kết nối có trách nhiệm, vai trò gì, phí liên quan đến khoản vay như thế nào…
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết việc phát triển và mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính thời gian qua giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn từ các kênh chính thức, hạn chế và không phải tiếp cận tín dụng từ nguồn “tín dụng đen”.
Chính vì thế, NHNN cũng tăng cường mở rộng mạng lưới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, phát triển tài chính vi mô cũng như mở rộng mạng lưới của Ngân hàng Chính sách xã hội. Đây là kênh tín dụng đối với người dân nghèo, người thu nhập thấp và ở vùng sâu vùng xa.
Phó Thống đốc NHNN cho biết trong quá trình tổ chức điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, thời gian qua, NHNN liên tục rà soát, chỉnh sửa và bổ sung những quy định về cho vay, trong đó có những văn bản quy định về cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thực hiện theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và ban hành một văn bản riêng đối với tín dụng tiêu dùng của các công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính.
NHNN luôn có chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải thực hiện, chấn chỉnh các hoạt động cho vay tiêu dùng. Với cách thức, giải pháp như vậy cũng sẽ góp phần hạn chế được “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, bà Hồng khẳng định trong quy định của pháp luật, NHNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động tín dụng cũng như hoạt động của các ngân hàng khác đối với các tổ chức tín dụng. Còn đối với “tín dụng đen” không thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của NHNN, nhưng cũng liên quan đến mảng quản lý trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật.
Do đó, trong thời gian qua, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nắm bắt tình trạng của “tín dụng đen” và cũng đã có báo cáo Chính phủ, kiến nghị để Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành có giải pháp quản lý chung đối với hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng “tín dụng đen” tràn lan.