Bít lỗ hổng chuyển tiền chui ra nước ngoài
Dù không được phép nhưng một số tiệm vàng vẫn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để chuyển tiền ra nước ngoài với thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Việc chuyển tiền ra nước ngoài thông qua kênh chính thức quy định khá chặt chẽ và phải qua nhiều bước. Cụ thể, tổ chức và cá nhân phải xuất trình các chứng từ theo quy định của tổ chức tín dụng khi mua, chuyển, mang ngoại tệ… ra nước ngoài. Thế nhưng bên cạnh kênh chính thức thì đường dây chuyển ngầm vẫn hoạt động.
Tiệm vàng không được mua bán, chuyển ngoại tệ
Chị Tố An, nhà ở quận Phú Nhuận, TP.HCM, kể mới đây chị đã chuyển tiền cho một người thân ở Mỹ thông qua kênh ngân hàng với nhiều thủ tục nhiêu khê, phức tạp.
“Ví dụ để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài phải có giấy phép do ngân hàng cấp. Mức phí mỗi ngân hàng tính một kiểu: Có nơi 100.000 đồng/lần cấp giấy phép cho mục đích du học, công tác, chữa bệnh, còn các mục đích khác được áp mức phí 200.000 đồng/lần. Song cũng có ngân hàng lại đưa ra mức phí chung là 10 USD/lần” - chị An kể.
Tuy quy định phải chuyển qua kênh chính thức nhưng trên thực tế các đối tượng vẫn lợi dụng lỗ hổng để chuyển tiền ra nước ngoài với nhiều cách thức khác nhau và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, khẳng định: Các tổ chức kinh tế bao gồm cả các tiệm kinh doanh vàng chỉ được phép thu đổi ngoại tệ khi được NHNN cấp giấy phép.
Các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều công ty khai khống nhập khẩu hàng hóa có trị giá lớn để chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.
Hiểu một cách đơn giản, các tiệm vàng không có chức năng chuyển tiền ra nước ngoài. Trong trường hợp tiệm vàng làm dịch vụ thu đổi ngoại tệ thì phải ký hợp đồng làm đại lý thu đổi với ngân hàng thương mại và phải được NHNN cấp giấy chứng nhận. Điều này cũng có nghĩa các tiệm vàng chỉ được thu đổi ngoại tệ chứ không được bán ngoại tệ cho khách hàng.
“Vì vậy những hành vi mua bán ngoại tệ như đồng USD tại tiệm vàng không được cấp giấy phép là hành vi vi phạm pháp luật. Tiệm vàng nào mua bán ngoại tệ mà không được cấp phép thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật” - ông Minh nói.
Thế nhưng thời gian qua các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ các tiệm vàng chuyển tiền ra nước ngoài. Ví dụ trong vụ án Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nhật Cường, cơ quan chức năng phát hiện tổng giám đốc Bùi Quang Huy và đồng phạm thông qua hai tiệm vàng chuyển hàng ngàn tỉ đồng ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là một phần trong tảng băng chìm của việc chuyển tiền ra nước ngoài một cách bất hợp pháp. Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia kinh tế, nhận định: Không chỉ chuyển qua tiệm vàng, hiện có cả cách thức chuyển tiền chui ra nước ngoài thông qua các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số.
Chẳng hạn, người gửi bỏ tiền ra mua bitcoin, lưu địa chỉ ví bitcoin rồi gửi cho người nhận, với điều kiện người nhận cũng có ví bitcoin. Người nhận có thể sử dụng số bitcoin đã nhận để bán trên sàn giao dịch tiền kỹ thuật số và rút tiền mặt về ví của mình.
Một kênh khác khá phổ biến là dưới danh nghĩa thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa để chuyển tiền chui ra nước ngoài. Theo đó, một số công ty khai khống nhập khẩu hàng hóa có trị giá lớn nhằm chuyển ngoại tệ bất hợp pháp ra nước ngoài.
Hoàn thiện quy định
về chuyển tiền
NHNN cho biết hoạt động thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài đã được quy định, tuy nhiên nằm rải rác ở nhiều văn bản dẫn đến các ngân hàng khó tra cứu trong quá trình thực hiện.
Vì vậy, NHNN đang lấy ý kiến xây dựng thông tư hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài. Mục tiêu nhằm tích hợp, thống nhất các quy định vào một văn bản hợp nhất; hoàn thiện quy định pháp luật phù hợp với thực tế phát sinh.
Ví dụ, dự thảo quy định ngân hàng được phép thu thập các thông tin cần thiết về tổ chức, cá nhân chuyển tiền và tổ chức, cá nhân thụ hưởng ở nước ngoài; có quyền từ chối hoặc không thực hiện các giao dịch bán, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài nếu tổ chức, cá nhân cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin…
Rà soát các giao dịch đáng ngờ
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá việc chuyển lậu tiền ra nước ngoài dưới nhiều hình thức vẫn đang là vấn đề nhức nhối của cơ quan quản lý. Mặt khác, cách thức chuyển tiền chui ra nước ngoài luôn đối mặt với nhiều rủi ro mà bản thân người gửi có thể bị mất trắng và người nhận cũng có thể bị xử lý trước pháp luật của nước sở tại.
Chính vì vậy để giảm thiểu tình trạng chuyển tiền chui, ngoài ý thức bảo vệ tài sản của chính người gửi tiền thì cũng cần quy rõ ràng về trách nhiệm của cán bộ, nhân viên ngân hàng khi thực giao dịch thanh toán, chuyển tiền qua biên giới thông qua ngân hàng. Bởi họ chính là người kiểm tra, xác minh thông tin khách hàng. “Họ hoàn toàn có thể phát hiện các giao dịch bất thường, đáng ngờ và báo cho các bên liên quan” - ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, đại diện một số ngân hàng nhấn mạnh để lấp lỗ hổng ngăn chuyển tiền ra nước ngoài phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề chuyển ngoại hối, kiểm soát thanh toán có thực hay không. Ông Trần Tấn Lộc, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết để kiểm soát việc chuyển tiền ra nước ngoài núp bóng dưới danh nghĩa thanh toán tiền xuất nhập khẩu hàng hóa cho đối tác nước ngoài nhưng thực chất là hàng không về, Eximbank tiến hành kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ với từng giao dịch. Chẳng hạn kiểm tra lịch sử giao dịch xem đó là khách hàng mới hay khách hàng cũ.
“Đối với những khách hàng cũ, đã từng mở thanh toán L/C (thanh toán tín dụng chứng từ) với Eximbank thì phải giám sát toàn bộ chứng từ một cách chặt chẽ; đối chiếu xem số liệu hàng tồn kho của doanh nghiệp này có trùng khớp hay không, hoặc chuyển tiền cho đối tác nhập khẩu trực tiếp có danh tiếng, có uy tín thì được xem là những giao dịch an toàn”’ - ông Lộc nói.
Lãnh đạo Eximbank cũng cho hay lâu lâu có những khách hàng đề nghị chuyển tiền cho đối tác ở nước ngoài nhưng không chuyển trực tiếp mà đề nghị chuyển cho bên thứ ba thì ngay lập tức nhân viên ngân hàng phải “bật công tắc giao dịch đáng ngờ”. “Trường hợp khách hàng chuyển tiền vào các tài khoản thanh toán sai mục đích, nội dung điện chuyển tiền không minh bạch…, chúng tôi có quyền từ chối thực hiện lệnh chuyển tiền” - lãnh đạo Eximbank nhấn mạnh.
Đại diện một ngân hàng khác cũng cho hay gần đây đã siết chặt hơn các quy định về chuyển tiền. Đơn cử như yêu cầu khách hàng xuất trình chứng từ để kiểm tra tính phù hợp; nội dung chuyển tiền phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác. Trong trường hợp nếu khách hàng không xuất trình được chứng từ phù hợp, không thể hiện rõ mục đích chuyển tiền thì ngân hàng không thực hiện.•
Quy định việc mang tiền ra nước ngoài
Nghị định 70/2014 của Chính phủ quy định người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của NHNN cho các mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài; đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài; trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài…
Chẳng hạn, người Việt Nam và người nước ngoài khi xuất nhập cảnh nếu mang theo ngoại tệ có trị giá trên 5.000 USD thì phải khai báo hải quan; chỉ ngân hàng mới được phép thực hiện các giao dịch chuyển ngoại tệ xuyên biên giới phục vụ cho các mục đích như du học, đầu tư, định cư, chữa bệnh, thanh toán xuất nhập khẩu.
Cũng theo quy định hiện hành, ngân hàng có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ… để mang ra nước ngoài.
Nguồn PLO: https://plo.vn/bit-lo-hong-chuyen-tien-chui-ra-nuoc-ngoai-post685466.html