Bịt lỗ hổng trong quản lý lao động người nước ngoài tại Thanh Hóa
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tại Thanh Hóa luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cũng như quản lý rất chặt chẽ việc sử dụng lao động là người nước ngoài, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập, lỗ hổng để kẻ xấu lợi dụng, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật.
Nhiều “lổ hổng” cần vá
Tỉnh Thanh Hóa đang trong đà phát triển mạnh mẽ, toàn diện về mọi mặt, trong đó đặc biệt là kinh tế, xã hội. Chính vì vậy, Thanh Hóa đã trở thành môi trường lý tưởng trong thu hút người nước ngoài đến làm việc trên nhiều lĩnh vực như lao động, giáo dục, y tế…
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 320 doanh nghiệp, tổ chức, nhà thầu sử dụng lao động người nước ngoài; tổng số lao động người nước ngoài trên địa bàn tỉnh hiện nay là 2.003 người.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và xã hội Thanh Hóa, nhìn chung lao động người nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật lao động Việt Nam như việc cấp, cấp lại, gia hạn giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động…
Tuy nhiên, hiện nay việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất của các doanh nghiệp chưa tốt, một số doanh nghiệp lợi dụng quy định pháp luật chưa chặt chẽ để trục lợi. Đặc biệt là việc thành lập nhiều chi nhánh hoặc trung tâm ngoại ngữ để xin chấp thuận sử dụng lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc không đúng mục đích.
Trong công tác quản lý lao động người nước ngoài còn gặp một số khó khăn như sự bất đồng về ngôn ngữ, sự hạn chế trình độ của lao động Việt Nam khi tham mưu cho ông chủ người nước ngoài về các văn bản liên quan đến chính sách lao động nước ngoài còn chậm, thiếu chính xác, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện hồ sơ cấp phép lao động.
Nhiều doanh nghiệp tuyển lao động nước ngoài có điều kiện về trình độ tay nghề, ngoại ngữ cao nhưng mức lương thấp, thậm chí chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng, chính vì vậy không thể tuyển dụng được lao động Việt Nam để thay thế.
Ngoài ra, không có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn những doanh nghiệp được phép hoặc không được phép sử dụng lao động người nước ngoài. Vì vậy, người sử dụng lao động chỉ cần giải trình lý do lao động người Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là đủ điều kiện được chấp thuận sử dụng lao động người nước ngoài.
Lợi dụng các bất cập, lỗ hổng trên, nhiều cá nhân, tổ chức vì hám lợi đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm. Thậm chí, nhiều đối tượng đã móc ngoặc với nhau, thành lập hẳn 1 đường dây cho thuê giáo viên người nước ngoài với số lượng lớn tại Thanh Hóa.
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và xã hội Thanh Hóa cho biết, việc quản lý lao động người nước ngoài chủ yếu là trách nhiệm của người sử dụng lao động và thông qua thanh tra, kiểm tra. Nhưng do số lượng cán bộ của đơn vị hạn chế, nên hàng năm chỉ tập trung thanh tra, kiểm tra được số lượng ít đơn vị.
Mặt khác, số doanh nghiệp được Sở thanh tra, kiểm tra thực hiện theo danh sách doanh nghiệp được Thanh tra tỉnh thống nhất phê duyệt hàng năm. Vì vậy, những đơn vị đã được Thanh tra tỉnh phê duyệt cho cơ quan quản lý nhà nước khác thanh tra, kiểm tra trước đó thì Sở sẽ không được phép kiểm tra những doanh nghiệp đó.
Xuất hiện thủ đoạn tội phạm mới, rất tinh vi
Mới đây, vào giữa tháng 9/2023, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Hồng Vân và 2 đồng phạm về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và “Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Theo tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 5/2021 đến tháng 3/2023, Lê Thị Hồng Vân đã chỉ đạo 2 nhân viên dưới quyền sử dụng các phần mềm photoshop, phần mềm ghép và tách file PDF online… để làm giả 65 tài liệu của 30 trường hợp người nước ngoài.
Sau đó, sử dụng pháp nhân của 4 Công ty gồm: Công ty TNHH đầu tư và phát triển giáo dục PPV, Công ty TNHH giáo dục quốc tế Apple, Công ty cổ phần truyền thông & giáo dục Global, Công ty TNHH tư vấn & đào tạo Hoàng Hà để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép.
Được biết, đây là thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm này, rất khó phát hiện và gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, xác minh.
Từ vụ án trên cho thấy, thực trạng quản lý, giám sát lao động người nước ngoài tại Thanh Hóa đang gặp phải nhiều vấn đề, cần phải siết chặt hơn nữa. Đặc biệt là trong vấn đề thành lập nhiều chi nhánh hoặc trung tâm ngoại ngữ và xin chấp thuận sử dụng lao động người nước ngoài vào Việt Nam làm việc không đúng mục đích, lách luật để trục lợi.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, số lượng trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang hoạt động giáo dục (tính đến tháng 7/2023) là 206 trung tâm, trong đó có 163 người nước ngoài tham gia giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ (59/206 trung tâm).
Trong quá trình hoạt động, nhiều đơn vị chưa kịp thời báo cáo về số lượng đội ngũ lao động người nước ngoài tại đơn vị nên khó khăn trong việc giám sát.
Chính vì vậy, có hiện tượng một số đơn vị sai phạm trong công tác tuyển dụng giáo viên không đạt chuẩn, ký hợp đồng ngắn hạn…, dẫn đến đơn vị quản lý không nắm bắt được hết việc sử dụng lao động người nước ngoài ở các cơ sở giáo dục. Có những giáo viên nước ngoài đến đăng ký ở đơn vị A nhưng sang đơn vị B để giảng dạy...