Bịt 'lỗ hổng' trong xã hội hóa công tác đăng kiểm
Những ngày qua, sức nóng của cuộc 'tảo thanh' hoạt động đăng kiểm xe cơ giới đã 'phả' ra khắp mọi miền. Với việc có thêm các Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) ở phía Bắc bị 'sờ gáy', nhiều người cho rằng một khi sai phạm đã có tính chất hệ thống thì hẳn là khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này đang có vấn đề. Đó có thể là những 'lỗ hổng' hay tiêu cực ngay trong công tác quản lý dịch vụ đăng kiểm. Việc nhận diện những bất cập này để hoàn thiện thể chế, tăng cường vai trò quản lý nhà nước để phòng ngừa sai phạm đã trở thành một yêu cầu cấp thiết.
“Đụng đâu sai đấy”
Tính đến nay, đã có 13 TTĐK ở các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Đồng Tháp bị khám xét, tạm đình chỉ hoạt động. Cơ quan chức năng đã khởi tố 6 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam về các tội “môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ” và “giả mạo trong công tác” đối với 43 người là giám đốc, phó giám đốc, nhân viên các TTĐK.
Quá trình điều tra xác định sai phạm phổ biến tại các TTĐK này là việc bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra hoặc cho thuê phụ tùng thay thế; sử dụng phần mềm để can thiệp hệ thống đăng kiểm, giúp cho nhiều phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật vẫn được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Tính đến thời điểm bị phát hiện, đã có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng “làm luật”. Các TTĐK này đã cấp 52.300 giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, với số tiền thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy nhiều TTĐK thu tiền phí “bôi trơn” từ 200.000 - 500.000 đồng/xe (ngoài phí đăng kiểm và phí đường bộ theo quy định), để bỏ qua các lỗi kỹ thuật của ô tô khi đi đăng kiểm. Số tiền phí “bôi trơn” sẽ được tập hợp lại vào cuối mỗi ngày và chia cho các đăng kiểm viên theo thỏa thuận.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục phối hợp mở rộng điều tra, chứng minh sai phạm tại các TTĐK khác để xử lý theo quy định của pháp luật. Mới đây, 3 cán bộ lãnh đạo và nhân viên Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “nhận hối lộ”. Trước đó, Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố, bắt tạm giam 14 bị can tại TTĐK số 99-03D. Tại Bắc Giang, có 5 đối tượng là lãnh đạo, nhân viên TTĐK 98 - 06D đã bị khởi tố cũng với tội danh này.
Vì đâu nên nỗi?
Mới đây, dư luận không khỏi sốc khi thông tin bị can Hồ Hữu Tài (52 tuổi, Giám đốc TTĐK 50 - 17D ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh) không biết chữ, không viết được và không đọc được vì chỉ mới học lớp 3 cách đây 50 năm được công bố. Thực tế này cho thấy một vấn đề nghiêm trọng hơn, đó là tình trạng khá “bát nháo” tại các TTĐK của tư nhân.
Nếu năm 2018, toàn quốc có 172 TTĐK, hầu hết đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ một số đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ “về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới” với việc gỡ bỏ quy định về phát triển TTĐK theo quy hoạch vùng, địa phương, doanh nghiệp tư nhân đã nhanh chóng rót vốn đầu tư để chiếm lĩnh thị trường này. Kết quả là đã có 107 đơn vị được thành lập mới. Chỉ tính riêng năm 2019, đã có 32 TTĐK mới ra đời và hàng chục đơn vị khác đăng ký thành lập. Theo thống kê của Cục ĐKVN, cả nước hiện có hơn 200 TTĐK với hơn 400 dây chuyền kiểm định.
Với gần 50 triệu xe đang lưu hành, chủ trương xã hội hóa công tác đăng kiểm đã đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tạo ra cơ chế cạnh tranh công bằng và xóa bỏ cơ chế xin – cho trong lĩnh vực này. Tuy nhiên mặt trái của việc có quá nhiều TTĐK hoạt động trên cùng một địa bàn là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở kiểm định. Mặc dù Cục ĐKVN đã đầu tư công nghệ để tăng tính tự động hóa trong hoạt động kiểm định, nhưng công nghệ có hiện đại đến đâu thì vẫn con người điều khiển. Khi đã cố tình sai phạm thì người ta có “ngàn lẻ một” cách vô hiệu hóa máy móc, công nghệ kiểm tra, giám sát.
Theo luật sư Chu Thị Út Quỳnh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, nếu các cơ quan quản lý Nhà nước đã làm “tròn vai” trong hoạt động thẩm định cấp phép thành lập TTĐK, trong hoạt động thanh tra, kiểm soát, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác đăng kiểm, thì liệu có xảy ra hàng loạt sai phạm mang tính hệ thống như đang thấy hay không? Phải chăng ngay trong hoạt động quản lý Nhà nước đã xảy ra sai phạm, tiêu cực?
“Tôi cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ thuộc Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục ĐKVN, chính là câu trả lời cho vấn đề này. Nếu coi các sai phạm là “quả”, thì “nhân” của chuyện này bắt đầu từ sự buông lỏng quản lý hoặc có tiêu cực, sai phạm trong hoạt động cấp phép thành lập, cũng như kiểm soát dịch vụ kiểm định và xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, dường như chúng ta đang thiếu một khung pháp lý đủ chặt chẽ để điều chỉnh lĩnh vực này”, bà Quỳnh nhận định.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, những tiêu cực trong công tác đăng kiểm xảy ra và tồn tại trong thời gian qua, phần lớn trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, vì đã làm không nghiêm, không hết trách nhiệm.
“Những tiêu cực xảy ra trong các TTĐK thời gian qua thì người kiến thức rất bình thường cũng có thể phát hiện ra ngay. Phải đặt ra nghi vấn khi có hiện tượng bất thường xảy ra và ngay lập tức cơ quan chức năng phải vào cuộc. Khi kiểm tra mà không đủ tiêu chuẩn thì phải đóng cửa. Cục ĐKVN mà làm mạnh tay đối với những TTĐK làm ăn gian dối, tiêu cực, thì công tác đăng kiểm sẽ trở lại trật tự. Muốn công tác đăng kiểm phát triển lành mạnh theo quy luật thị trường, đòi hỏi phải nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Thanh nói.
Siết từ quy định
Là một loại hình dịch vụ sinh lời giống như bao hình thức dịch vụ khác, công tác đăng kiểm ẩn chứa nhiều nguy cơ sai phạm, cần phải có một hành lang pháp lý chặt chẽ để kiểm soát.
Đề cập tới vấn đề này, ông Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ ra một số bất cập trong quy định hiện hành, chẳng hạn việc không quy định tiêu chuẩn về chuyên môn tối thiểu, đạo đức nghề nghiệp của người làm công tác kiểm định là thiếu chặt chẽ. Về hướng hoàn thiện thể chế, theo ông Thịnh cần phải bổ sung tiêu chuẩn Giám đốc TTĐK, các đăng kiểm viên phải đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Cần xếp loại các trung tâm, các đăng kiểm viên theo các tiêu chí, để thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ, tính trung thực, chính xác đối với hoạt động kiểm định.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về số hóa các dữ liệu về hoạt động kiểm định, công khai trên mạng internet, có cơ chế giám sát theo thời gian thực hoạt động kiểm định của cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, cần bổ sung quy định cơ quan có thẩm quyền được quyết định lựa chọn đăng kiểm lại theo xác suất ngẫu nhiên. Nếu phát hiện chủ xe hoặc TTĐK vi phạm, cần xử phạt nghiêm, để thông qua đó giúp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực này. Cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế tiếp nhận ý kiến người dân phản hồi về tiêu cực trong công tác kiểm định, đảm bảo bí mật và lợi ích của người dân, tổ chức phản ánh.
Theo Luật sư Chu Thị Út Quỳnh, thời gian tới cần siết chặt lại công tác cấp phép, quản lý hoạt động dịch vụ kiểm định của các TTĐK. Trong đó việc cấp phép hoạt động cho các TTĐK phải đảm bảo cân bằng cung cầu, tương xứng giữa nhu cầu kiểm định với sự gia tăng của các đơn vị đăng kiểm.
Mặt khác, cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng công tác kiểm định thay vì chạy theo số lượng. Do đó, cần tập trung phát triển các TTĐK có đủ nguồn lực, được đầu tư trang thiết bị, máy móc bài bản, hiện đại; đẩy mạnh số hóa, tự động hóa trong hoạt động đăng kiểm, bảo đảm sự khách quan, minh bạch, chính xác, hạn chế sự can thiệp của con người vào quy trình kiểm định. Bên cạnh đó, cần có quy định rõ về trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát dịch vụ đăng kiểm của các Sở Giao thông vận tải địa phương.