Biwase: Cuộc phiêu lưu từ ngành nước 'lang thang' sang sân chơi ngành điện
Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) vừa thành lập doanh nghiệp ngành điện và sân chơi mới này có thể là cuộc phiêu lưu nhiều mạo hiểm của Biwase.
Nguồn lực tài chính của Biwase chưa thực sự dư dả.
Lấn sân sang mảng điện
Biwase (mã BWE, sàn HoSE) trước đây chỉ hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước và xử lý môi trường. Hiện nay, doanh nghiệp này có tổng cộng 7 nhà máy nước mặt, với tổng công suất 480.000 m3/ngày đêm. Mạng lưới cấp nước bao phủ chủ yếu tại khu vực tỉnh Bình Dương và một phần tại TP.HCM.
Về hạ tầng cấp nước sạch, Biwase đang quản lý khai thác gần 4.300 km đường ống nước các loại. Trong khi đó, trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp này tiếp nhận và xử lý hơn 2.300 tấn rác thải và khoảng 765 m3 nước rỉ rác mỗi ngày. Các dự án mà Công ty đang đầu tư cũng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cấp thoát nước và môi trường. Trong 9 dự án đang đầu tư thì có 4 dự án cấp nước, 4 dự án xử lý môi trường và chỉ một dự án xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Biwase mới đây gây bất ngờ với giới đầu tư khi tung quân vào lĩnh vực điện bằng việc góp vốn thành lập Công ty cổ phần Xây lắp - Điện Biwase. Dự kiến đặt trụ sở tại tỉnh Bình Dương, doanh nghiệp này nhắm tới hoạt động chính là sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, lắp đặt hệ thống điện, hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan. Vốn điều lệ ban đầu của công ty này là 80 tỷ đồng, trong đó Biwase dự kiến góp 50,4 tỷ đồng, chiếm 63% vốn điều lệ.
Rủi ro trên sân chơi mới
Số vốn mà Biwase góp vào Công ty cổ phần Xây lắp - Điện Biwase không lớn, nhưng trong bối cảnh nguồn lực tài chính của Biwase chưa thực sự dư dả, thì số tiền vài chục tỷ đồng cũng không phải là không đáng kể.
Quý II/2020, Biwase đạt tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 12,76% so với cùng kỳ năm trước và giá trị lợi nhuận là 117,6 tỷ đồng. Theo đó, số tiền góp vốn của Biwase vào công ty ngành xây lắp điện đã tiêu hao đến gần phân nửa lợi nhuận trong một quý của doanh nghiệp này.
Trong bối cảnh nguồn lực tài chính của Biwase chưa thực sự dư dả, thì số tiền vài chục tỷ đồng cũng không phải là không đáng kể.
Việc gia tăng lợi nhuận của quý II và nửa đầu năm 2020 của Biwase chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan do tốc độ đô thị hóa khu vực tỉnh Bình Dương.
Tổng số lượng khách hàng đấu nối sử dụng nước đến ngày 30/6/2020 tăng 11,36% so với cùng kỳ. Trong khi đó, thực lực của doanh nghiệp chưa bộc lộ sức bật gì đáng kể, thậm chí còn tiêu hao nguồn lực do phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn với tổng số tiền 19,16 tỷ đồng. Chi phí lãi vay trong nửa đầu năm 2020 cũng bị đội thêm 4,42 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Trong khi đó, các con số tài chính khác cũng còn những ẩn số. Theo đó, tại báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ, kiểm toán viên đã nêu ý kiến cần nhấn mạnh. Đó là chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang và tài sản cố định trên báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ có thể thay đổi sau khi được kiểm tra, kiểm toán theo quy định của Nhà nước về quyết toán dự án đầu tư cơ bản hoàn thành.
Trước ý kiến nhấn mạnh trên của kiểm toán, ông Trần Chiến Công, Tổng giám đốc Biwase có sự giải thích trong nội dung văn bản giải trình, nhưng chưa được rõ ràng khi cho biết, các dự án đầu tư này chưa hoàn thành, nên Công ty chưa thực hiện quyết toán vốn đầu tư.
Ngoài ra, Biwase cũng đang trong trạng thái khá bức thiết về dòng tiền chứ không thực sự dư dả. Điều đó được thể hiện bằng việc Công ty vẫn phải thực hiện đợt huy động vốn bằng trái phiếu. Đây là loại trái phiếu riêng lẻ không chuyển đổi, tổng mệnh giá tối đa là 225 tỷ đồng. Mục đích phát hành là bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Với thực lực tài chính hiện tại, các cổ đông, nhà đầu tư của Biwase hoàn toàn có lý do để lo lắng cho Công ty trước việc “lang thang” sang sân chơi ngành điện vào lúc này, một lĩnh vực không phải sở trường của Biwase.