Biwase được cấp thêm gần 16.000 tỷ đồng nguồn vốn giá rẻ để phát triển nguồn nước sạch
Với định hướng 'tín dụng xanh' cho dự án cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cam kết hỗ trợ vốn lên tới gần 16.000 tỷ đồng cho Biwase.
Chiều ngày 6/9, Công ty cổ phần - Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE - sàn HoSE) và Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Sở Giao dịch II (VDB) đã ký kết Thỏa thuận Hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư.
Buổi lễ ký kết dưới sự chứng kiến của ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương; ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương; ông Quảng Văn Viết Cương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC); ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT Biwase; ông Trần Chiến Công, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Biwase; ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam; ông Trịnh Thanh Dương, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Sở Giao dịch II …
Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam - Sở Giao dịch II cam kết hạn mức cho vay đối với Biwase là 10.000 tỷ đồng và đối với Biwase và đơn vị liên quan là không vượt quá 16.000 tỷ đồng.
Thời gian cho vay bằng thời gian thu hồi vốn của từng dự án, riêng đối với các dự án đầu tư mới, khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt thì thời hạn cho vay tối thiểu là 20 năm; lãi suất cho vay được xác định theo nguyên tắc quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP, được thông báo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất trong trường hợp lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại trong nước có biến động lớn. Hiện tại, mức lãi suất cho vay tín dụng đầu tư tại Ngân hàng là 6,92%/năm.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Biwase chia sẻ niềm tự hào khi Công ty đã cung cấp nước sạch đạt trên 95% toàn địa bàn tỉnh Bình Dương, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương (trong đó, 100% đều qua khâu tái chế làm phân hữu cơ và đốt, không còn chôn lấp) và đặc biệt, hiện nay Biwase đang đi theo hướng sản xuất xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh doanh có trách nhiệm.
Được biết, để có thể đảm nhiệm việc cung cấp nước sạch, xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh Bình Dương giúp tạo tiền đề thu hút dòng vốn đầu tư, Biwase đã tận dụng nhiều nguồn vốn khác nhau từ trong nước và ngoài nước. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam là ngân hàng đã hỗ trợ cho Biwase rất nhiều khoản vay ưu đãi, đồng thời với trách nhiệm của mình, Biwase cũng đã hoàn trả gốc và lãi vay gần 200 tỷ đồng hàng năm, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với Ngân hàng.
“Với các nguồn vốn vay quý giá từ các tổ chức tài chính, tín dụng, Biwase đã sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Kể từ khi cổ phần hóa năm 2016 và niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) năm 2017, Biwase đã liên tục lớn mạnh, nâng vốn điều lệ lên gần 2.200 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu lên 5.173 tỷ đồng, vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản trên 12.000 tỷ đồng …
Hôm nay, được sự quan tâm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, sau thời gian trao đổi, thảo luận, hai bên đã đi đến thống nhất ký Biên bản hợp tác lâu dài. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ tín dụng có thể nói là “tín dụng xanh” cho Biwase, đây là niềm vui, niềm tin vững chắc trên con đường sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn trong thời gian tới”, Chủ tịch Nguyễn Văn Thiền vui mừng chia sẻ.
Cũng tại sự kiện, ông Đào Quang Trường, Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam chia sẻ: “Ngân hàng Phát triển Việt Nam là một ngân hàng chính sách, ngân hàng của Chính phủ tài trợ cho lĩnh vực đầu tư và được Chính phủ giao cho nhiệm vụ quản lý nguồn vốn tín dụng đầu tư của nhà nước để đầu tư các chương trình, các mục tiêu và các dự án theo các đối tượng, các dự án cần được thu hút đầu tư.
Cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy định 78, sửa đổi Nghị định 32 của Nhà nước về đầu tư phát triển, hoạt động đầu tư của nhà nước có nhiều thay đổi theo hướng cởi mở và giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam linh hoạt hơn. Trong đó, tập trung vào các dự án nhà nước ưu tiên đó là phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án nước, xử lý nước thải, rác thải tại đô thị, khu công nghiệp, dự án nhà ở xã hội, dự án bệnh viện, các dự án ngành công nghiệp...
Đối với Biwase, có nhiều dự án thuộc đối tượng ưu tiên như sản xuất nước cho sinh hoạt, công nghiệp, mức vốn tài trợ cho nhóm Biwase từ 12.000 đến 16.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ bằng 85% lãi suất bình quân của ngân hàng thương mại. Trong đó, nguồn vốn tín dụng đầu tư chủ yếu từ trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn nước ngoài, vì vậy nguồn vốn giá rẻ, dài hạn hơn sẽ đáp ứng được nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng”.