Black Friday 2022 ở hai bờ Đại Tây Dương có còn là 'đại hội mua sắm'?

CNBC mới đây dẫn kết quả khảo sát của Boston Consulting Group - một tập đoàn tư vấn quản lý toàn cầu cho biết, người dân châu Âu có kế hoạch cắt giảm chi tiêu tới 18% trong cuối tuần Black Friday năm nay (25-27/11), trong khi các công dân Mỹ là những người tiêu dùng duy nhất 'xuống tay' mạnh hơn trong đại hội giảm giá này.

Nguồn gốc của Black Friday

Black Friday, hay còn được biết tới với tên gọi "thứ Sáu đen tối" hay "đại hội săn sale" được coi là ngày mở hàng cho mùa mua sắm trước dịp Giáng sinh, có nguồn gốc từ phương Tây. Black Friday thường rơi vào ngày thứ Sáu ngay sau Lễ Tạ ơn - ngày lễ hàng năm được tổ chức chủ yếu tại Mỹ và Canada.

Theo nhật báo USA Today, ngày Black Friday bắt đầu được nhắc tới vào năm 1941, khi Tổng thống thứ 32 của Mỹ Franklin D. Roosevelt chính thức chuyển ngày Lễ Tạ ơn từ ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 lên thành thứ Năm lần thứ tư của tháng, nhằm kéo dài mùa mua sắm trước Giáng sinh, thúc đẩy chi tiêu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ.

Có nhiều lí giải khác nhau về nguồn gốc của ngày Black Friday. Ảnh: Alamy.

Có nhiều lí giải khác nhau về nguồn gốc của ngày Black Friday. Ảnh: Alamy.

Một lý giải khác thì cho rằng Black Friday chỉ thực sự nổi lên vào những năm 1950 tại thành phố Philadelphia của Mỹ, khi cảnh sát địa phương sử dụng thuật ngữ này để mô tả thứ Sáu và các ngày cuối tuần sau Lễ Tạ ơn. Họ cho biết, đó là những ngày phải làm việc "nhiều trăm phần trăm" công suất vì tình trạng tắc nghẽn giao thông, do khối lượng người mua sắm tăng vọt đổ vào thành phố từ các vùng ngoại ô.

Ngoài ra, trong tiếng Anh, thuật ngữ "in the black" chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận, đối nghịch với "in the red" chỉ tình trạng kinh doanh thua lỗ. Cụ thể, trước đây để tiện theo dõi sổ sách, kế toán thường ghi số lợi nhuận bằng mực đen, số lỗ bằng mực đỏ. Chính vì thế, các nhãn hàng dần dần đã chọn Black Friday là ngày giảm giá lớn để kích cầu mua sắm. Do đó, Black Friday không chỉ là cơ hội để người tiêu dùng "vợt sale", gom được những sản phẩm yêu thích với giá tốt mà còn là dịp để các doanh nghiệp gia tăng doanh số.

Khủng hoảng phủ bóng Black Friday

Theo các nhà phân tích, cuối tuần Black Friday năm nay tại châu Âu diễn ra vô cùng ảm đạm do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt mà "lục địa già" đang phải đối mặt. Cuộc khảo sát của Boston Consulting Group công bố tháng 11 cho biết, khách hàng tại châu Âu có kế hoạch chi tiêu ít hơn gần 1/5 so với các đợt Black Friday hàng năm.

Đặc biệt, từng là nước "hăng hái" săn sale nhất, người dân Anh năm nay dự kiến cắt giảm tới 18% chi tiêu mua sắm, đây là mức cao nhất trong khu vực vì lạm phát ở nước này đạt mức cao nhất trong 41 năm là 11,1% hồi tháng 10. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Pháp và Đức đều có kế hoạch giảm 15% chi tiêu. Ở Tây Ban Nha, con số này là 13%.

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã làm thay đổi "thói quen Black Friday" của phần lớn người dân châu Âu. Ảnh: Reuterspix.

Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã làm thay đổi "thói quen Black Friday" của phần lớn người dân châu Âu. Ảnh: Reuterspix.

Thực tế này cùng với sức ảnh hưởng của mùa World Cup đang diễn ra càng khiến các nhà bán lẻ trên khắp châu Âu đứng ngồi không yên, lo ngại rằng mùa lễ hội năm nay có thể tồi tệ nhất trong ít nhất một thập kỷ khi người tiêu dùng cắt giảm mua sắm, trong khi chi phí kinh doanh còn tăng thêm, khiến tỉ suất lợi nhuận sụt giảm chóng mặt. Thậm chí, một số nhà doanh nghiệp đã "né" sự kiện này như Marks & Spencer - một trong những nhà bán lẻ lớn tại Anh.

Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Boston Consulting Group nêu rõ, Mỹ là quốc gia duy nhất trong cuộc khảo sát có người tiêu dùng tăng mức chi tiêu mùa Black Friday năm nay với 6%. Tuy nhiên, Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ dự báo rằng doanh số bán hàng tăng với tốc độ chậm hơn.

Trong khi đó, tập đoàn Amazon dự báo mức tăng trưởng doanh thu tại Mỹ chậm nhất trong bất kỳ kỳ nghỉ lễ nào trong năm. Không những vậy, hàng nghìn nhân viên kho hàng của Amazon trên khoảng 40 quốc gia đã tham gia các cuộc biểu tình và đình công vào đúng dịp Black Friday, yêu cầu được hưởng mức lương và điều kiện làm việc tốt hơn bởi ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc. Thực tế này khác hẳn với thời trước đại dịch, khi Amazon có năm phải thuê tới 20.000 nhân viên thời vụ, chỉ để phục vụ Black Friday.

Giới chuyên gia nhận định, Black Friday 2022 ở hai bờ Đại Tây Dương không còn là "cơn sốt", chẳng thấy những cảnh giao thông ùn tắc, người dân xếp hàng từ tờ mờ sáng để săn sale hay mạng mua online bị tắc nghẽn. Global Data dẫn lời một số nhân viên thu ngân chia sẻ: "Chưa bao giờ "sự thông thoáng" này lại mang tới cảm giác lo lắng đến vậy. Nhưng chúng tôi sẽ vẫn chờ đợi khách hàng và sự trở lại của của một đại hội mua sắm đúng nghĩa".

Kim Khánh (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/black-friday-2022-o-hai-bo-dai-tay-duong-co-con-la-dai-hoi-mua-sam--i675620/