Bloomberg: Những chiếc F-16 đầu tiên đã đến Ukraine giữa lo ngại về phi công vận hành

Lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất đã đến Ukraine, trong bối cảnh không rõ phi công Ukraine có thể vận hành được chúng ngay chưa.

Những chiếc F-16 của không quân Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ biểu diễn nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw. Ảnh: Sputnik

Những chiếc F-16 của không quân Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ biểu diễn nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw. Ảnh: Sputnik

Hãng Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, những chiếc máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ sản xuất và các thành viên NATO cung cấp đã đến Ukraine. Bloomberg cũng dẫn các nguồn tin nói rằng không rõ liệu các phi công Ukraine được phương Tây huấn luyện lái máy bay F-16 có thể sử dụng lô máy bay này ngay lập tức hay không hay quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Trong khi đó, Kiev vẫn chưa bình luận về việc chuyển giao hàng. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Ukraine, Diana Davityan, cũng từ chối bình luận về vấn đề phi công lái F-16 khi được Bloomberg liên hệ.

Hiện tại chưa rõ nguồn gốc của lô máy bay trên. Năm ngoái, một nhóm các quốc gia NATO, bao gồm Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Canada, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania và Thụy Điển, đã thành lập cái gọi là “liên minh F-16”, nhằm cung cấp máy bay này cho Kiev. Hy Lạp, Mỹ, Bulgaria và Pháp sau đó đã tham gia.

Trong “liên minh F-16”, Hà Lan và Đan Mạch cam kết cung cấp cho Kiev lần lượt 24 và 19 chiếc máy bay từ kho của họ và những quốc gia khác cam kết đào tạo phi công Ukraine. Na Uy gần đây cũng tuyên bố sẽ tặng 6 máy bay chiến đấu F-16 cho Kiev.

Theo các nguồn tin được Bloomberg trích dẫn, thời hạn giao hàng ấn định vào cuối tháng 7 “đã được tôn trọng”. Đầu tháng 7, chính phủ sắp mãn nhiệm ở Hà Lan cho biết mọi công tác chuẩn bị cho việc giao F-16 đã hoàn tất và việc chuyển giao sẽ diễn ra “sớm”. Hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng cho biết lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên sẽ được bàn giao cho Ukraine vào mùa hè.

Moskva đã nhiều lần tuyên bố rằng, việc chuyển giao F-16 cho Kiev, giống như các loại vũ khí khác của phương Tây, sẽ không thay đổi được kết quả của cuộc xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hồi đầu năm nay rằng quân đội Nga sẽ phá hủy các máy bay này như đã từng làm với các thiết bị quân sự khác của Ukraine.

Tuần trước, Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine, Đại tướng Aleksandr Syrsky thừa nhận với tờ Guardian rằng quân đội Ukraine sẽ phải hạn chế sử dụng F-16 để tránh bị lực lượng Nga bắn hạ. Khi đó, vị tướng này cho biết Nga có lực lượng “không quân vượt trội” và lực lượng phòng không “rất mạnh”, đồng thời cho biết thêm rằng máy bay do Mỹ sản xuất sẽ phải tránh xa tiền tuyến hàng chục km để tránh rủi ro nghiêm trọng.

Một công ty tư nhân của Nga trước đó đã treo giải thưởng 15 triệu rúp (170.000 USD) cho ai phá hủy được chiếc F-16 đầu tiên trong cuộc xung đột.

Nga đã nhiều lần cảnh báo rằng mức độ hỗ trợ ngày càng tăng mà các nước phương Tây dành cho Kiev sẽ chỉ làm kéo dài xung đột. Theo Moskva, việc tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine cũng khiến những nước phương Tây ủng hộ Kiev trên thực tế trở thành những người tham gia vào cuộc xung đột.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng cảnh báo Mỹ và các đồng minh NATO rằng Moskva coi sự hiện diện của những chiếc F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân ở Ukraine là một mối đe dọa hạt nhân.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT, Sputnik)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/bloomberg-nhung-chiec-f16-dau-tien-da-den-ukraine-giua-lo-ngai-ve-phi-cong-van-hanh-20240801081349058.htm