Blouse trắng nơi vùng cao
Những ngày cuối tháng 2, trong chuyến công tác tại các xã vùng cao Ðông Tiến, Ðông Giang, La Dạ của huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi có dịp gặp được những người thầy thuốc luôn dành hết tâm huyết để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào.
Blouse trắng nơi vùng cao
Ðến và ở lại
Lên vùng cao Đông Giang những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận rõ sự khắc nghiệt của khí hậu giao mùa nơi đây. Buổi sáng, là cái lạnh buốt như mùa đông của phía Bắc nhưng trưa về thì thời tiết đã chuyển sang oi ả, nóng nực đúng với thương hiệu của “nắng phương Nam”. Cái khắc nghiệt của thiên nhiên đã đồng hành với người dân và thầy thuốc trên vùng cao từ ngày này sang ngày khác.
Có hẹn trước đó, chúng tôi đã đến Phòng Khám đa khoa khu vực đóng chân trên địa bàn xã. Nơi đây có chức năng khám, điều trị bệnh ban đầu cho người dân 3 xã La Dạ, Đông Giang và Đông Tiến. Dãy nhà cao tầng vừa mới được đầu tư xây dựng nhìn khá khang trang, hiện đại và cũng được gọi là “bề thế” ở giữa “trung tâm” miền núi này. Phòng khám có 15 nhân viên y tế, trong đó 5 người ở miền xuôi lên công tác. Họ - tuổi đời còn rất trẻ song lòng yêu nghề, nhiệt huyết và trách nhiệm với công việc lại đang cháy bỏng.
Bác sĩ trẻ Thông Thanh Lý – Trưởng phòng khám đón chúng tôi với nụ cười thật tươi. Câu chuyện đến với vùng cao và ở lại để chữa bệnh cho người dân đã được anh tâm sự: “Vậy là tôi gắn bó với vùng cao này được 6 năm rồi đó”. Anh bắt đầu câu chuyện như vậy, với anh mắt thoáng xa xăm. Quê anh ở xã Hàm Phú (Hàm Thuận Bắc). Năm 2011, anh Lý tốt nghiệp Đại học Y Cần Thơ và về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Hàm Thuận Bắc (giờ là Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Bắc), tuy nhiên đến đầu năm 2014 anh tình nguyện xung phong lên vùng cao để chữa bệnh cho bà con. Ngày ấy, cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng khám chưa được xây dựng, đường sá giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. “Tuổi trẻ thì phải biết dấn thân, nếu tôi chần chừ thì cũng sẽ có những người trẻ khác thay tôi. Tuy nhiên đã chọn màu áo trắng, thì tôi nghĩ dù là ở miền xuôi hay ở vùng cao tôi cũng sẽ làm hết trách nhiệm, và trách nhiệm đó của tôi là “chữa bệnh cứu người”, anh Lý chia sẻ.
Để đến và trụ lại được với bà con nơi đây là điều mà không phải ai cũng làm được. Những nỗ lực, cố gắng trong công việc cũng đã cho anh nhiều cơ hội để trở về miền xuôi. Song cái “tình” của người dân nơi đây đã níu chân tôi lại, bác sĩ Lý nói.
Gắn bó nhiều năm với bà con vùng cao, bác sĩ Lý không thể nhớ hết đã có bao nhiêu lần đồng hành cùng với bệnh nhân và gia đình họ vượt qua bệnh tật. Nhưng khi được hỏi “kỷ niệm vui nào anh nhớ nhất khi lần đầu khám bệnh cho bà con vùng cao này?”. Cười tủm tỉm, anh Lý cho biết một người bệnh từng đề nghị: “Tôi đau ở chân, bác sĩ siêu âm ở chân cho tôi. Bác sĩ không siêu âm là tôi không đồng ý đâu. Vậy mà tôi vẫn phải khám để cho bà con hài lòng cái đã”.
Cũng tại phòng khám ở vùng cao này, tôi gặp gỡ kỹ thuật viên xét nghiệm Nguyễn Thị Hồng Thắm. Thắm quê ở Hàm Phú lấy chồng về xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc), mới 30 tuổi nhưng Thắm cũng đã có “thâm niên” 6 năm tại đây. Chúng tôi hỏi chị: “Chồng con Thắm chắc cũng ở trên này?”, Thắm lắc đầu: “Chồng em dưới xuôi, và chỉ vào bụng đây là đứa con đầu của em, còn gần 1 tháng nữa là em sinh”. Thấy chúng tôi nhìn đầy ái ngại, Thắm nói: “Giờ em quen rồi chị à. Khi chưa mang thai em cũng thường xuyên về, nhưng giờ chồng em cũng hay lên thăm. Bà con vùng cao còn nhiều vất vả lắm nên chút hy sinh của mình có đáng là bao”.
Đến và ở lại, bởi thiên chức của người thầy thuốc là chữa bệnh cứu người thật cao cả!
Tất cả vì người bệnh
Nhớ lại cách đây vài năm trong chuyến công tác về vùng cao này, tôi được một cán bộ y tế kể: “ở vùng sâu, vùng xa mỗi khi trong nhà có người bệnh, thường tìm đến thầy cúng để nhờ bắt “con ma”. Việc người bệnh tự tìm đến phòng khám lúc bấy giờ vẫn còn hạn chế ”.
Thế mà quang cảnh của một buổi khám bệnh hôm nay đã làm tôi rất đỗi ngạc nhiên. Mặc dù đã hơn 10 giờ trưa, nhưng người dân vẫn đến khám rất đông, chủ yếu là đồng bào K’ho. Mỗi người một tâm trạng khi chờ đợi. Song ai cũng phấn khởi, hài lòng khi được bác sĩ khám và cấp thuốc.
Chị K’Thị Rồi (thôn 2, xã Đông Giang) cho biết: “May mà nhờ có các bác sĩ ở đây, họ không chỉ chữa bệnh giỏi mà còn chăm sóc tận tình nữa. Nhà tôi, hễ ai có bệnh là đưa ra phòng khám liền, chứ không gọi thầy cúng như trước kia nữa đâu”.
Đang ngồi chờ đến lượt được khám, ông K’Văn Liền hồ hởi kể cho chúng tôi nghe: Bệnh tật gì chúng tôi cũng đều đến phòng khám, được khám tận tình và phát thuốc mang về uống. Chúng tôi tin tưởng các y, bác sĩ ở đây lắm. Năm 2018, nhà tôi có 5 người mà đến 4 người bị mắc bệnh sốt xuất huyết, tất cả đều nhờ sự chăm sóc, cứu chữa của các y, bác sĩ ở đây.
Theo bác sĩ Thông Thanh Lý, trung bình mỗi ngày phòng khám đa khoa tiếp nhận khoảng 70 - 100 bệnh nhân tới khám và điều trị; cá biệt có ngày số lượng bệnh nhân lên đến 150 người. Người dân các xã như Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ cũng có khi ở xã Đa Mi đều tập trung về đây khám. So với thời gian trước đây, lượng bệnh nhân tới khám tăng gấp đôi, gấp ba. Bệnh nhân phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, họ chưa có kiến thức theo dõi, chăm sóc sức khỏe nên nhiều trường hợp bệnh nặng mới đưa xuống phòng khám. Thế nhưng, từ khi đi vào hoạt động đến nay phòng khám vẫn chưa để xảy ra trường hợp nào đáng tiếc trong quá trình cấp cứu và điều trị. Với sự nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ, công tác khám chữa bệnh cho người dân nơi đây luôn đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Ngoài ra, các chương trình y tế quốc gia như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống bướu cổ, lao, phong... đều được phòng khám thực hiện có hiệu quả. Trong năm 2020, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 100%, số trẻ uống vitamin A đạt 100%. Hàng năm đội ngũ y - bác sĩ phòng khám đều được đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn để phục vụ tốt hơn công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Sự tận tình, trách nhiệm trong công việc của những thầy thuốc ở phòng khám đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người dân vùng cao trong việc chăm sóc sức khỏe.
“Màu áo trắng đã được họ lựa chọn để theo đuổi giấc mơ “chữa bệnh cứu người”, cũng vì màu áo trắng họ đã chọn bản xa để ở lại”.
Thanh Nhàn
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/xa-hoi/blouse-trang-noi-vung-cao-135457.html