BMW, Toyota và hàng loạt thương hiệu bị tố cáo tự ý cung cấp dữ liệu người dùng

Các thượng nghị sĩ cáo buộc BMW, Toyota và 7 thương hiệu khác cung cấp dữ liệu vị trí của người tiêu dùng mà không có lệnh.

Những chiếc ô tô đời mới được trang bị nhiều công nghệ hiện đại tới mức nhiều người ví chúng như những chiếc “máy tính có bánh xe” với một loạt các hệ thống phức tạp như máy ảnh, thiết bị theo dõi GPS, ghi âm.. Trên hết, chúng còn có khả năng lưu trữ dữ liệu trong một khoảng thời gian dài.

Hệ thống công nghệ hiện đại mặc dù có thể nâng cao đáng kể trải nghiệm người dùng nhưng cũng đi kèm một số rủi ro về mất an toàn thông tin. Mới đây, các thượng nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hành động tích cực hơn để bảo vệ người tiêu dùng trước những vi phạm nghiêm trọng về quyền riêng tư.

Cụ thể, trong lá thư đầu tiên gửi tới FCC, một đại biểu Mỹ đã kêu gọi ủy ban “phát triển sự hiểu biết toàn diện và các giải pháp cho việc lạm dụng công nghệ xe được kết nối”. Ý kiến này xuất phát từ thực trạng nhiều kẻ bạo hành gia đình lợi dụng các công cụ kết nối trên phương tiện giao thông để theo dõi và kiểm soát nạn nhân. Đại biểu này hy vọng lời kêu gọi sẽ có thể giúp nạn nhân nhanh chóng thu hồi/vô hiệu hóa quyền truy cập của kẻ xấu vào dữ liệu xe, đồng thời ngăn kẻ lạm dụng yêu cầu dịch vụ để khôi phục quyền truy cập hoặc dữ liệu đó. Hai Thượng nghị sĩ khác nói rằng họ đã kiểm tra hơn mười nhà sản xuất ô tô liên quan đến yêu cầu hỗ trợ quyền riêng tư kể trên.

Theo đó, 9 nhà sản xuất ô tô bao gồm Toyota, Hyundai, Kia, Mercedes-Benz, Mazda, BMW, Volkswagen, Subaru và Nissan thừa nhận đã cung cấp dữ liệu vị trí của ô tô mà không đòi hỏi bất cứ giấy yêu cầu nào từ cơ quan chức năng hay người bị rò rỉ thông tin. Trong số 14 công ty ô tô tham gia nghiên cứu chỉ có Ford, General Motors, Stellantis, Honda và Tesla yêu cầu giấy chứng nhận đối với dữ liệu này.

Đáng chú ý, chỉ có duy nhất Tesla thông báo cho khách hàng về những yêu cầu như vậy của chính phủ. Hãng xe cho biết: “Các cơ quan chính phủ phải có lệnh yêu cầu nội dung email của người Mỹ, ảnh riêng tư của họ được sao lưu lên đám mây và tìm kiếm điện thoại của họ. Dữ liệu vị trí cũng tương tự”.

Theo tờ New York Times, việc thu thập dữ liệu có xu hướng tăng lên qua các năm. Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) đang nghiên cứu cách bắt buộc kiểm tra nồng độ cồn trong máu và thiết bị cảnh báo giới hạn tốc độ trên xe. Hơn nữa, các công ty bảo hiểm còn khai thác thêm những dữ liệu khác để phục vụ cho việc xác định tỷ lệ bảo hiểm.

Thực trạng này đặt ra một câu hỏi cho người dùng tại Mỹ rằng phải chăng chỉ khi lái một chiếc xe không có công nghệ, dữ liệu của họ mới được bảo vệ?

CTV Thu Ánh/VOV.VN Theo Carcoops

Nguồn VOV: https://vov.vn/o-to-xe-may/o-to/bmw-toyota-va-hang-loat-thuong-hieu-bi-to-cao-tu-y-cung-cap-du-lieu-nguoi-dung-post1093852.vov