BMW va chạm Mercedes tại Sài Gòn: Luật sư, cảnh sát giao thông nói gì?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, không có lái xe nào hoàn toàn đúng trong tình huống xe BMW X4 va chạm với Mercedes-Benz GLC 250 tại quận 7 (TP Hồ Chí Minh) ngày 17/6.
Va chạm do quá chủ quan
Cuộc tranh cãi kịch liệt về tính đúng sai từ vụ va chạm giữa hai xe sang ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Quận 7, TP HCM vẫn đang nóng trên cộng đồng mạng.
Xem kỹ đoạn video ghi lại cảnh va chạm giữa hai chiếc xe sang, các chuyên gia về lái xe và an toàn giao thông đều cho rằng, cả hai lái xe đã không tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ và những quy tắc lái xe an toàn cơ bản.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng Xử lý vi phạm thuộc Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) nhận định, lỗi đầu tiên ở tình huống trên là cả hai lái xe đều thiếu quan sát dẫn tới va quệt.
"Người điều khiển chiếc xe Mercedes màu đỏ di chuyển từ vị trí đỗ xe đi ra lòng đường đã đi chậm và có bật tín hiệu xin đường các phương tiện phía sau. Nếu lái xe BMW chú ý quan sát sẽ phát hiện ra xe màu đỏ ngay phía trước và nhường đường cho xe này”, Thượng tá Quỹ nói:
Tình huống va chạm giữa hai chiếc xe ngày 17/6. Video: Nguyễn Ngọc Trai
Về phía xe Mercedes màu đỏ, Thượng tá Quỹ phân tích: "Trước khi cho xe di chuyển khỏi nơi đỗ để tham gia vào làn đường, lái xe bắt buộc phải quan sát gương chiếu hậu trước tiên. Khi không có phương tiện tham gia giao thông phía sau thì mới được đánh lái đi ra.”
Ông Nguyễn Hồng Vinh – Chuyên gia lái xe an toàn cũng cho rằng, mọi chuyện đã không xảy ra tệ đến thế nếu lái xe BMW quan sát và giảm tốc độ.
"Cả người đàn ông điều khiển chiếc BMW và người phụ nữ lái chiếc Mercedes đều đã quá chủ quan trong tình huống va chạm nói trên", ông Vinh nhận định.
Diễn biến ghi lại từ camera an ninh khu vực cho thấy, chiếc BMW X4 đỗ sau và cách xe Mecedes một chiếc xe. Xe này đã nhập làn trước và di chuyển ổn định trên đường, sau đó khoảng 4 giây, chiếc Mercedes GLC250 phía trước cũng nhập làn. Va chạm đã xảy ra chỉ trong 4 giây tiếp theo.
Nên xử lý dân sự
Nhiều lái xe có kinh nghiệm cho rằng, ngoài việc tập trung lái xe, tuân thủ đúng Luật thì văn hóa nhường đường cũng cần được nêu cao nhằm tránh những va chạm đáng tiếc.
Luật sư Dương Đức Thắng – Phó Giám đốc Công ty Luật Myway, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trong vụ va chạm này, nếu chiếu theo Luật Giao thông đường bộ thì cả hai xe đều có phần sai.
Ông Thắng diễn giải: Đối với xe Mercedes màu đỏ, nữ tài xế có hành vi nhập làn đường mà không quan sát. Điều này vi phạm quy định tại Điều 13 Luật Giao thông đường bộ.
Theo quy định, lái xe chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép, khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn. Trong video, xe màu đỏ chuyển làn có tín hiệu đèn nhưng không đảm bảo an toàn.
Về phía chiếc BMW, chiếc xe này cũng mới nhập làn và đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên, khi phát hiện chướng ngại vật (là chiếc xe Mercedes đang có tín hiệu xin chuyển làn), chiếc BMW không có dấu hiệu phanh giảm tốc độ.
Theo Điều 12 Luật Giao thông đường bộ, xe khi phát hiện chướng ngại vật buộc phải giảm tốc độ hoặc dừng lại một cách an toàn.
Còn theo Điều 14 Luật Giao thông đường bộ, nếu chiếc xe BMW muốn vượt thì buộc phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi và chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước.
Tình huống va chạm giữa hai xe sang trên khá phổ biến trong đới sống sau tay lái. Đa số các vụ việc đều được hai bên giải quyết theo con đường thương lượng, tự bồi thường và hòa giải.
Tuy nhiên, vụ việc tưởng chừng đơn giản này hiện đang được các bên “đẩy” lên theo hướng xử lý hình sự. Như VietNamNet đã đưa tin, chủ xe BMW X4 trưng hóa đơn sửa xe mất 200 triệu đồng, chủ xe Mercedes cũng có hóa đơn sửa chữa mất 101 triệu đồng.
Cả hai bên đều không chấp nhận phương án bồi thường của bên kia dẫn tới, cơ quan cảnh sát giao thông quận 7 đã chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra quận 7 tiếp nhận, thụ lý. Cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm hình sự là hành vi vi phạm giao thông gây thiệt hại tài sản hơn 100 triệu đồng theo Điều 260, Bộ Luật Hình sự.
Theo Luật sư Dương Đức Thắng, khi một vụ việc được xử lý hình sự thì buộc phải tuân theo phán quyết của Tòa án, dựa trên kết luận của Cơ quan công an. Theo đó, bên nào lỗi đến đâu sẽ phải bồi thường đến đấy.
Tuy vậy, Luật sư Thắng cũng thừa nhận, các vụ việc liên quan đến va chạm giao thông rất khó để định lượng chính xác tỷ lệ sai.
“Các bên cần kiềm chế hơn. Vụ việc này nên giải quyết dân sự, trên tinh thần ứng xử văn minh, thượng tôn pháp luật", Luật sư Dương Đức Thắng khuyến nghị.
Theo Khoản 7, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, Các hành vi: Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông; không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông sẽ,… bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng.
Tại Điều 180 Bộ luật Hình sự năm 2015, tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản được quy định như sau: “Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Nguyễn Hoàng
Bạn thấy tình huống giao thông trên xe nào sai? Trân trọng mời bạn đọc gửi tin, bài, ảnh, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy, email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!