Bộ ảnh thời trang dàn cảnh cướp giật ở TP.HCM bị chỉ trích
Bên cạnh lời khen ngợi ý tưởng độc đáo, nhiều người cho rằng các bức hình thời trang này thiếu tính thẩm mỹ và cổ xúy cho tệ nạn xã hội.
Cuối tháng 5, thương hiệu Môi Điên tung bộ ảnh thời trang mang tên "Cướp" với dàn cảnh nạn nhân và kẻ cướp diện trang phục của hãng.
Các bức hình tập trung khai thác vào khía cạnh cảm xúc của nạn nhân và kẻ cướp thông qua biểu cảm trên gương mặt, hình thể người mẫu. Chiến dịch thời trang nhanh chóng thu hút hơn 3.000 lượt thích, bình luận trên fanpage.
Bộ ảnh nhanh chóng trở thành chủ đề tranh cãi trên các diễn đàn. Một số người cho rằng các bức hình đã tái hiện tình trạng cướp giật ở TP.HCM với góc nhìn hiện đại, mang đậm chất nghệ thuật.
Giám đốc sáng tạo Dzung Yoko nhận định bộ ảnh xịn và màu sắc đẹp. Tài khoản Trí Trần bày tỏ: "Không nghĩ rằng Môi Điên lại có ý tưởng táo bạo đến như vậy. Tôi rất thích góc nhìn thời trang khác biệt của các bạn trẻ".
Còn Hoài Nam cho rằng chiến dịch thời trang của hãng hay và ý tưởng quá tốt từ những người trẻ Việt Nam.
Tuy nhiên, số khác lại nhận định bộ ảnh thiếu tính thẩm mỹ và cổ xúy cho tệ nạn xã hội. Không chỉ thế, họ cho rằng việc làm của thương hiệu khiến tư tưởng người dùng bị sai lệch khi khen người mẫu trong vai kẻ cướp điển trai.
Thậm chí, họ còn chỉ trích thương hiệu Việt làm hỏng tư tưởng thế hệ trẻ và hình tượng hóa nhân vật đang bị xã hội lên án gay gắt.
Tài khoản Bach Vien bất bình: "Cá nhân tôi thấy bộ ảnh thời trang này không phù hợp. Nó có thể đẹp nhưng tạo cảm giác thi vị hóa việc cướp giật đồ bằng xe máy. Những người từng là nạn nhân của việc cướp giật khi nhìn thấy sẽ rất chạnh lòng".
"Có ai trong ê-kíp hiểu được cảm giác của các nạn nhân từng bị cướp không? Tại sao kẻ cướp lại có vẻ mặt đầy tính thỏa mãn của chiến thắng?", "Từ bao giờ tệ nạn xã hội trở thành góc nhìn nghệ thuật của các bạn?"... là những lời thắc mắc từ cộng đồng mạng.
Zing đã liên hệ với chủ nhân bộ ảnh nhưng nhãn hàng không đưa ra phản hồi cụ thể và đẩy sang nhiều bộ phận khác giải quyết.
Trên thế giới, những góc nhìn nhạy cảm về vấn đề trong cuộc sống đi ngược lại quy chuẩn của xã hội từng gây tranh cãi. Năm 2014, tạp chí Vogue Italy đăng tải loạt hình mang tên "Horror Story" (Câu chuyện kinh dị) cùng khung cảnh những người đàn ông cầm dao, kéo truy sát phụ nữ.
Nhiều người cho rằng thông điệp tạp chí thời trang hàng đầu gửi gắm bị bạo lực hóa không cần thiết. Số khác lại có ý kiến ngược lại khi nhận định Vogue Italy đang phơi bày những góc khuất trong xã hội và hiếm tạp chí nào làm được điều này.
Trong cuộc phỏng vấn với The Independent, tổng biên tập quá cố Franca Sozzani giải thích ý tưởng lấy cảm hứng từ thực trạng bạo hành gia đình xảy ra ngày càng rộng rãi trên thế giới.
"Nỗi kinh dị trong đời thực còn đáng sợ hơn bộ phim mà khán giả thường xem. Chúng xuất hiện trên mặt báo hàng ngày. Điều chúng tôi muốn hướng đến là giúp công chúng thấy được cuộc sống phụ nữ ngày nay mong manh đến mức nào. Họ có thể bị đánh đập, lạm dụng, thậm chí bị giết", bà nói.
Kim Kardashian cũng bị công chúng chỉ trích dữ dội khi làm làn da mình trở nên tối màu trong hình ảnh quảng bá của thương hiệu mỹ phẩm KKW Beauty. Không ít người cho rằng cô đã thể hiện hành động "black face" dưới hình thức trang điểm.
Vào thế kỷ 19, "black face" là hành động kỳ thị chủng tộc phổ biến trong ngành giải trí. Trong các vở kịch và phim ảnh, những nghệ sĩ không phải người da màu thường sơn mặt đen, đóng vai người thuộc tầng lớp lao động thấp kém như nô lệ, người làm vườn, bảo mẫu. Đến thập niên 1960, trào lưu này chấm dứt sau phong trào đòi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi.