Bộ ảnh tuyệt đẹp về xứ sở Đông Dương năm 1944
Chùa một cột, đường phố Nam Định, tang lễ truyền thống,… là những hình ảnh quý giá về xứ Đông Dương hơn 70 năm về trước.
Kỳ III: Những hình ảnh quý về Việt Nam trải dài từ Bắc vào Nam được lưu giữ trong “Cư dân ở Đông Dương thuộc Pháp”.
Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài. Đây là công trình nổi tiếng nhất nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hựu. Công trình này được xây vào mùa đông năm 1049 ở thời vua Lý Thái Tông và hoàn thiện vào năm 1105 thời vua Lý Thánh Tông, nay đã không còn.
Cầu Thê Húc và cổng đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Cầu Thê Húc là cây cầu ở hồ Hoàn Kiếm nối ra hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn. Năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên nó là Thê Húc (nghĩa là "giọt ánh sáng đậu lại" hay "Ngưng tụ hào quang").
Bờ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) được chụp ở trên cao. Là vùng biển bán sơn địa, có non nước thanh bình, đẹp đẽ tựa chốn bồng lai. Biển Đồ Sơn được coi là nơi nghỉ ngơi du lịch của kỳ thú từ xa xưa. Đến nay, Ðồ Sơn vẫn là khu nghỉ mát và tắm biển nổi tiếng ở miền Bắc.
Đường phố cổ kính ở Nam Định. Hình ảnh đăng tải trong “Cư dân ở Đông Dương thuộc Pháp”.
Những cánh đồng lúa ở Đông Triều, Quảng Ninh chụp từ máy bay. Đông Triều là thị xã nằm ở phía tây Quảng Ninh. Nơi đây là quê gốc của Nhà Trần, xưa kia tên cổ của vùng đất này là An Sinh, đến đời vua Trần Dụ Tông mới đổi thành Đông Triều.
Hình ảnh về một tang lễ truyền thống người Hoa tại tỉnh Thanh Hóa.
Các “Ông bình vôi” được chất đầy trên gốc cây thiêng ngoài cổng một ngôi đền ở Thanh Hóa. Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, bình vôi là những ông thần giữ của. Khi không dùng đến nữa, họ sẽ treo chúng ở gốc đa hoặc cạnh những ngôi đền.
(Còn nữa)…