Bố bị ung thư buồn rầu khi biết con trai cũng mắc ung thư hạch
Vẫn đang phải điều trị căn bênh ung thư chưa khỏi, gần đây anh N. lại thêm buồn hơn khi nghe bác sĩ kết luận con trai mình cũng mắc ung thư, Tết này cháu sẽ phải ở lại bệnh viện để điều trị.
Trưa ngày 23/1, anh N.V.N. (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) sau khi đi khám lại tại Bệnh viện K Trung ương vì căn bệnh ung thư, đã tranh thủ vào BV Nhi Trung ương thăm con trai. Đến nơi anh mới được biết, Tết năm nay con trai anh sẽ phải ở lại bệnh viện để điều trị.
Anh N. cho biết, bản thân bị bệnh ung thư, di căn phổi từ cách đây gần 1 năm, hiện tại vẫn đang phải điều trị. Mấy hôm nay trời lạnh anh thấy mệt hơn nên đã đến bệnh viện K Trung ương khám lại…Gần đây con trai anh là cháu N.T.T. (SN 2013) cũng được các bác sĩ chuẩn đoán mắc ung thư hạch.
Theo anh N., cháu T. thường ngày vẫn luôn ngoan, ăn ngủ, vui đùa bình thường, không có biểu hiện gì của bệnh. Cách đây khoảng 1 tháng, thấy cổ con trai xuất hiện hạch gia đình mới đưa cháu đi khám, nhưng không ra bệnh. Sau một thời gian, cháu T. bị đau nhiều, cả 2 hàm răng đều bị lung lay, gia đình tiếp tục đưa con đến khám tại Bệnh viện răng hàm mặt thì được các bác sĩ khuyên nên đưa con đến BV Nhi Trung ương.
Tại BV Nhi Trung ương, cháu T. được thăm khám và làm các xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhi mắc ung thư hạch.
Theo Ths.Bs. Nguyễn Minh Trang – Trung tâm ung thư, BV Nhi Trung ương, bệnh nhi N.T.T. vào viện đã được 10 ngày, cháu bé được chẩn đoán mắc ung thư hạch (u lympho). Theo kế hoạch, cháu T. sẽ phải điều trị hóa chất.
"Bệnh nhi T. có biểu hiện đau mỏi toàn thân, phù, liệt, nổi hạch…. Hiện tại, u đã di căn vào tủy xương, xâm lấn đến thần kinh trung ương, bệnh nhi T. đang ở trong giai đoạn cấp nên phải điều trị để phòng hội chứng ly giải u và điều trị u tiến tiển", Ths.Bs. Nguyễn Minh Trang cho hay.
Cũng theo Ths.Bs. Nguyễn Minh Trang, trường hợp bệnh nhi T. sau khi điều trị bằng đợt hóa chất đầu tiên cơ thể đáp ứng khá tốt với thuốc, bệnh nhi đã bớt đau và các hạch đã bé đi khá nhiều. Vì được phát hiện sớm và điều trị kịp thời nên khả năng bệnh nhi sẽ khỏi bệnh hoàn toàn từ 70-80%.
"Đợt điều trị hóa chất tiếp theo có thể sẽ khiến cơ thể bệnh nhi T. gặp biến chứng nặng như suy tủy xương, thiếu máu, nhiễm trùng… Biến chứng nặng sẽ rơi vào đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên bệnh nhi sẽ cần phải ở lại bệnh viện để được các bác sĩ theo dõi và điều trị", bác sĩ cho biết thêm.
Ths.Bs. Nguyễn Minh Trang cũng đưa ra khuyến cáo, khi trẻ có bất thường nên đứa trẻ đến khám tại những cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ có thể sớm phát hiện và loại trừ những bệnh lý, đặc biệt là đối với căn bệnh ung thư. Ung thư ở trẻ em không phải là bệnh thường gặp nhưng cũng không phải là bệnh hiếm.
Theo TS.BS. Vũ Đức Bình, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW, Trưởng khoa Bệnh máu, thống kê từ các chuyên gia Hoa Kỳ năm 2021 cho thấy, hàng năm có khoảng 90.000 ca mắc mới ung thư hạch, trong đó, tỷ lệ sống sau 5 năm là trên 73% (giai đoạn từ 2011 – 2017). Tại Việt Nam, bệnh ung thư hạch xếp thứ 13 trong các loại ung thư thường gặp.
Trước đây, nhất là từ trước những năm 2000, việc điều trị ung thư hạch rất khó khăn, tiên lượng xấu. Nhưng hiện nay, phương pháp điều trị ung thư hạch đã có nhiều tiến bộ như: Điều trị bằng các tác nhân chống ung thư mới kết hợp với phác đồ hóa chất kinh điển, điều trị miễn dịch, ghép tế bào gốc, hoặc có thể kết hợp với xạ trị, phẫu thuật trong một số trường hợp…