Bỏ cấp huyện, có 38 thủ tục hành chính địa chất khoáng sản được chuẩn hóa

Việc chuẩn hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản giúp giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà; tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; tạo ra môi trường pháp lý minh bạch.

Cơ hội khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản đi kèm, đáp ứng nhu cầu của các dự án giao thông, xây dựng công trình trọng điểm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Cơ hội khai thác, sử dụng hiệu quả khoáng sản đi kèm, đáp ứng nhu cầu của các dự án giao thông, xây dựng công trình trọng điểm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy vừa ban hành Quyết định số 821/QĐ-BNNMT công bố chuẩn hóa thủ tục hành chính lĩnh vực địa chất và khoáng sản thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của bộ; trong đó có 15 thủ tục cấp Trung ương, 23 thủ tục cấp tỉnh.

Các thủ tục hành chính cấp Trung ương như: Giao nộp, thu nhận dữ liệu về địa chất, khoáng sản; cung cấp, khai thác, sử dụng dữ liệu về địa chất, khoáng sản; đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng khoáng sản; đóng cửa mỏ khoáng sản; nộp mẫu vật địa chất, khoáng sản vào Bảo tàng Địa chất; đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản…

Các thủ tục cấp tỉnh như: Trả lại giấy phép thăm dò khoáng sản hoặc trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; gia hạn giấy phép thăm dò khoáng sản; chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản; cấp giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó là các thủ tục như đóng cửa mỏ khoáng sản; gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản; cấp giấy phép khai thác tận thu khoáng sản; chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản; đăng ký khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích dự án xây dựng công trình.

Đặc biệt là gia hạn, điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản nhóm IV (các loại đất, đá chỉ phù hợp với mục đích làm vật liệu san lấp, đất đá thải của mỏ để đáp ứng nhu cầu của các dự án giao thông, xây dựng công trình trọng điểm); chấp thuận khảo sát, đánh giá thông tin chung đối với khoáng sản nhóm IV tại khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc chuẩn hóa thủ tục hành chính về địa chất và khoáng sản không chỉ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà mà còn tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ; tạo ra môi trường pháp lý minh bạch và thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư./.

Trước đó, ngày 8/4/2025, Cục Địa chất và Khoáng sản đã có công văn gửi Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, báo cáo tình hình quản lý địa chất và khoáng sản tại các địa phương. Trong đó nhấn mạnh thời gian qua, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch và bảo vệ khoáng sản trong quy hoạch, khoáng sản chưa khai thác của các cấp chính quyền địa phương chưa hiệu quả, nhiều nơi vẫn để tình trạng quy hoạch phát triển kinh tế xã hội khác chồng lấn lên quy hoạch khoáng sản.

Đáng chú ý, tại một số địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra một số nơi gây thất thoát tài nguyên khoáng sản; một số địa phương có yếu tố bất thường trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dẫn đến nhiều tổ chức, cá nhân sau trúng đấu giá xong đã không thể triển khai được dự án khai thác khoáng sản và chấp nhận bỏ cọc; tác động xấu đến an ninh kinh tế, trật tự xã hội./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-cap-huyen-co-38-thu-tuc-hanh-chinh-dia-chat-khoang-san-duoc-chuan-hoa-post1033136.vnp