Bỏ cấp huyện, mở rộng quy mô cấp xã:Bước chuyển mạnh mẽ vì tương lai phát triển
Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và tiến tới kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện là bước đi đột phá không chỉ mang lại lợi ích trước mắt, mà còn mở ra không gian, cơ hội phát triển bền vững, lâu dài.
Khẳng định tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị
Trong nhiều năm qua, bộ máy hành chính của Việt Nam vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, trùng lặp chức năng, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước và gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Nhiều địa phương có quy mô nhỏ, dân số ít, địa bàn gần nhau nhưng lại tồn tại song song nhiều đơn vị hành chính cấp huyện, dẫn tới tình trạng chia cắt không gian phát triển, phân tán nguồn lực đầu tư, gây khó khăn cho việc quy hoạch liên kết vùng, vùng phụ cận.
Theo Nghị quyết Trung ương 11 (khóa XIII) và Kế hoạch số 47-KH/BCĐ ngày 14-4-2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp, từ ngày 1-7-2025, 696 quận, huyện, thị xã sẽ kết thúc hoạt động và cấp xã giảm khoảng 60-70% trong tổng số 10.035 đơn vị.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã và tiến tới xóa bỏ cấp huyện là bước đi tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của đất nước. Chủ trương này không chỉ nhằm giảm số lượng đầu mối trung gian trong quản lý nhà nước, mà còn hướng tới xây dựng một nền hành chính năng động, gần dân, sát với dân, phục vụ dân tốt hơn.

Sơ đồ sắp xếp các phường khu vực Hoàn Kiếm. Ảnh: UBND thành phố Hà Nội
Ngay sau khi Trung ương ban hành chủ trương, các địa phương trên cả nước đã vào cuộc khẩn trương, chủ động và quyết liệt. Hiện nay, các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đã có phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời triển khai lấy ý kiến nhân dân. Thành phố Hà Nội gương mẫu, đi đầu khi sắp xếp 526 xã, phường, thị xã, thị trấn thành 126 đơn vị hành chính cấp xã, giảm hơn 76%, cao hơn chỉ tiêu Trung ương yêu cầu.
Với phương án sắp xếp, đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số lớn hơn, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn, cơ sở hạ tầng đồng bộ hơn. Đây là một cuộc cách mạng trong tổ chức bộ máy nhà nước, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta.
Khí thế triển khai sắp xếp đơn vị hành chính lan tỏa từ Trung ương đến địa phương, từ cán bộ lãnh đạo đến người dân. Không khí làm việc ở các tổ công tác, các hội nghị triển khai hoặc lấy ý kiến nhân dân đều diễn ra khẩn trương, sôi nổi, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm và sự đồng thuận cao. Hầu như ở đâu khi được phát phiếu xin ý kiến, người dân cũng hồ hởi, phấn khởi đón nhận chủ trương của Đảng và thể hiện sự nhất trí cao với phương án sắp xếp được các tỉnh, thành phố nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm khoa học. Trong đó, thành phố Hà Nội dự kiến hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ngay trong ngày mai, 21-4.
Không thể không ghi nhận rằng, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân là nền tảng vững chắc cho thành công của công cuộc sắp xếp này. Những băn khoăn ban đầu về tên gọi, trụ sở, lịch sử hình thành… nhanh chóng được hóa giải bằng sự minh bạch, công khai, và thuyết phục trong từng bước đi của chính quyền. Người dân đã hiểu rằng, đây không phải là một cuộc “chia tách - nhập lại” đơn thuần, mà là một quá trình tái cấu trúc không gian phát triển, mở ra cơ hội và điều kiện phát triển lớn mạnh ở mỗi địa phương và cả nước.
Hành trình hướng tới nền quản trị hiện đại và gần dân
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp, với cấu trúc tỉnh và xã, đã chứng minh được tính hiệu quả và sự phổ biến trên toàn cầu nhờ khả năng cân bằng giữa quản lý vĩ mô ở cấp tỉnh và phục vụ trực tiếp người dân ở cấp xã. Cấu trúc này tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoạch định chính sách thống nhất từ cấp tỉnh, đồng thời đảm bảo sự linh hoạt và đáp ứng nhu cầu đa dạng của từng cộng đồng dân cư ở cấp xã. Việc giảm bớt một cấp trung gian giúp tinh gọn bộ máy hành chính, giảm chi phí và tăng cường tính minh bạch trong quản lý.

Người dân Tổ dân phố số 2, phường Việt Hưng (quận Long Biên) ghi phiếu đóng góp ý kiến vào phương án sắp xếp các phường thuộc phạm vi quận. Ảnh: Hiền Lương
Từ góc độ lý luận và thực tiễn, việc bỏ cấp huyện và tinh gọn đơn vị hành chính cấp xã không chỉ là cải cách hành chính, mà còn là đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng hiện đại, phù hợp với quy luật vận hành của nhà nước pháp quyền và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thực tế cho thấy, cấp huyện đứng trước khả năng giảm vai trò “điều tiết” quản lý, khi mà công nghệ thông tin phát triển, giao thông thuận lợi, kết nối giữa cấp tỉnh và cấp xã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc xây dựng mô hình hai cấp hành chính - trung ương và địa phương (được tổ chức từ cấp xã trở lên) mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều hành và phục vụ người dân.
Một trong những lợi ích quan trọng nhất của việc sắp xếp đơn vị hành chính là mở rộng không gian phát triển cấp xã - cấp chính quyền gần dân nhất. Khi xã được mở rộng cả về quy mô dân số, diện tích và nguồn lực, chính quyền cấp xã sẽ có điều kiện tiếp cận những cơ hội phát triển lớn hơn, từ đầu tư hạ tầng, thu hút doanh nghiệp, đến triển khai các chính sách an sinh, giáo dục, y tế… hiệu quả hơn.
Cùng với đó, khi cấp huyện không còn tồn tại như một tầng nấc trung gian, mối quan hệ giữa tỉnh và xã sẽ trực tiếp hơn, rút ngắn thời gian ban hành và thực thi chính sách. Việc này không chỉ giúp “giải phóng” nguồn lực đang bị kìm hãm bởi thủ tục hành chính rườm rà, mà còn nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và chất lượng phục vụ của bộ máy nhà nước.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số và xây dựng chính quyền số đang diễn ra mạnh mẽ, một bộ máy gọn nhẹ, linh hoạt, phân quyền mạnh sẽ là nền tảng lý tưởng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Với quyền hạn lớn hơn, tài chính ổn định hơn, năng lực quản lý được nâng cao, các xã, đặc biệt là xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sẽ có cơ hội “cất cánh”, thu hẹp khoảng cách phát triển với các đô thị lớn.
Không gian hành chính được sắp xếp lại cũng mở ra khả năng quy hoạch tổng thể và đầu tư đồng bộ hơn. Các xã sau sáp nhập có thể cùng nhau xây dựng trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại hiện đại, thay vì mỗi xã một trụ sở nhỏ lẻ, lãng phí và kém hiệu quả. Sự liên kết vùng ở cấp xã cũng thiết thực hơn, giúp phát huy tiềm năng về du lịch, nông nghiệp, công nghiệp địa phương một cách bài bản, lâu dài.
Có thể nói, bỏ cấp huyện không chỉ là bỏ đi một tầng nấc quản lý, mà là mở đường cho một nền quản trị mới, trong đó xã không còn là “cấp thấp” mà trở thành “cấp chủ lực” trong kết nối người dân với chính quyền, trong triển khai chính sách phát triển, trong khơi dậy nội lực của từng cộng đồng địa phương. Đây chính là bước đi dũng cảm, sáng suốt, vì một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, tiến tới kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, là một quyết sách lớn, đòi hỏi sự đồng thuận cao, tầm nhìn xa và bản lĩnh chính trị mạnh mẽ.
Với khí thế sôi nổi trên cả nước, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, và đặc biệt là niềm tin, sự đồng thuận từ nhân dân, chúng ta có đủ cơ sở để tin rằng cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ thành công, sẽ để lại dấu ấn sâu sắc trong hành trình xây dựng một nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, vì dân và gần dân.