Bộ chỉ số PII: Góp thêm căn cứ khoa học cho phát triển kinh tế - xã hội
Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) 2023 vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Đây được coi là công cụ để nhận diện điểm mạnh, điểm yếu về đổi mới sáng tạo, góp thêm căn cứ khoa học để các địa phương đưa ra quyết sách đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội.
Bức tranh đa chiều về đổi mới sáng tạo
Theo kết quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023, Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là hai địa phương dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số PII năm 2023.
Cụ thể, Hà Nội đạt 62,86 điểm, xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số PII năm 2023. Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này, có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như: nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học - công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Hà Nội cũng dẫn đầu các chỉ số đầu ra về tài sản trí tuệ như: sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế, xã hội như chỉ số phát triển con người.
Thành phố Hồ Chí Minh đạt 55,85 điểm, xếp thứ 2, là địa phương dẫn đầu 12/52 chỉ số thành phần; trong đó có các chỉ số như: chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm về hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, số doanh nghiệp mới thành lập và mật độ doanh nghiệp cùng đóng góp GDP cả nước. Tuy nhiên, một số chỉ số được chỉ ra là điểm yếu gồm chính sách, quản trị môi trường, đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể và tính năng động của chính quyền địa phương.
8 địa phương xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên.
Ở chiều ngược lại, Cao Bằng là địa phương xếp cuối bảng (thứ 63) với điểm trung bình là 22,18. Lai Châu xếp vị trí thứ 62 với 22,78 điểm. 8 địa phương ở các vị trí từ 53 - 61 là Kiên Giang, Đắk Nông, Quảng Trị, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Gia Lai.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, Bộ chỉ số PII nhằm cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể, đa chiều, cho thấy các điểm mạnh, điểm yếu, yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
"Việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương là mang tính tương đối, không phải mục đích chính của Bộ chỉ số, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Ví dụ, các địa phương ở vùng miền núi sẽ có các điều kiện, đặc điểm khác với các địa phương ở vùng đồng bằng hay ở vùng duyên hải. Có địa phương có điều kiện thuận lợi và định hướng để phát triển nông nghiệp, nhưng địa phương khác lại có điều kiện và định hướng để phát triển dịch vụ - du lịch hay phát triển công nghiệp...", Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết.
Lý giải việc Hà Nội là địa phương có PII cao nhất cả nước năm 2023, Thứ trưởng Hoàng Minh cho rằng: "Hà Nội có những điểm mạnh và có điểm chưa mạnh, nhưng tổng thể lại Hà Nội là địa phương có các điểm cân bằng tốt nhất, có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hệ sinh thái kinh tế - xã hội dựa trên con người cân bằng nhất so với các địa phương khác; vì vậy điểm trung bình của Hà Nội là tốt nhất”.
Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh, việc các địa phương có duy trì được thứ hạng của mình trong các năm tiếp theo hay không phụ thuộc vào sự cải thiện của các địa phương. Nếu Hà Nội và các địa phương đang dẫn đầu mà không tiếp tục cải thiện môi trường, năng lực, những địa phương khác cho dù nhỏ hơn nhưng cải thiện tốt có thể thay đổi vị trí xếp hạng.
Đóng góp cho các quyết sách
Phân tích kỹ hơn về Bộ chỉ số PII, Tiến sỹ Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, “Bộ chỉ số này rất khác so với các bộ chỉ số như năng lực cạnh tranh hay cải cách hành chính… bởi nếu các bộ chỉ số kia là theo ngành, thì Bộ chỉ số PII mang tính bao trùm và gắn với mô hình phát triển của địa phương. Bộ chỉ số xét các tiêu chí theo quy định của quốc tế đánh giá về tiềm năng, tiềm lực của một quốc gia gắn với mô hình phát triển dựa vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhưng áp dụng cho địa phương.
“Dựa vào các chỉ số cụ thể, địa phương có thể điều chỉnh để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo. Từ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ gia tăng. Điều này tạo niềm tin quan trọng đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, các thể chế tài chính quốc tế, các quốc gia có thể đầu tư, tài trợ vào Việt Nam”, Tiến sỹ Vũ Văn Tích khẳng định.
Cũng theo Tiến sỹ Vũ Văn Tích, Bộ chỉ số PII quan trọng vì nó sẽ điều chỉnh một số bộ chỉ số khác. Tương ứng, các bộ chỉ số khác có thể căn cứ vào Bộ chỉ số PII để tích hợp và điều chỉnh chung đối với các quyết sách phát triển kinh tế-xã hội trong kế hoạch dài hạn.
Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của Bộ chỉ số GII) gồm: 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (thể chế, vốn con người và nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp); 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động).
Dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính là: số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở Trung ương (39/52 chỉ số); do các địa phương thu thập và cung cấp - kèm theo các tài liệu minh chứng (13/52 chỉ số). Trong giai đoạn thu thập dữ liệu, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức nhiều hội thảo, buổi làm việc với các bộ, cơ quan Trung ương để trao đổi thống nhất thu thập dữ liệu từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với các địa phương, Bộ xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn, tổ chức các buổi trao đổi, tập huấn để thu thập các dữ liệu cũng như cung cấp các tài liệu minh chứng liên quan.
Trong giai đoạn xử lý, phân tích dữ liệu, tính toán chỉ số và xây dựng báo cáo, Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện theo các chuẩn mực quốc tế, sau đó tiếp tục gửi tới chuyên gia quốc tế độc lập (do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới giới thiệu từ năm 2022) để đánh giá độc lập trên nhiều góc độ như: phương pháp thiết kế bộ chỉ số, độ tin cậy của dữ liệu, kỹ thuật tính toán…