Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để kiểm điểm tập thể và từng ủy viên
Tổng Bí thư cho biết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5 sáng 4/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác xây dựng Đảng.
Cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau
Trong đó có việc kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư cho biết, trong tháng 1/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 3 ngày để tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình về sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 gắn với việc thực hiện Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Hội nghị Trung ương 5 khai mạc sáng 4/5. Ảnh: TTXVN
Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này đã được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, theo quy chế, quy trình từng bước hợp lý. Các báo cáo kiểm điểm đều được chuẩn bị theo đúng quy định, hướng dẫn. Không khí kiểm điểm theo tinh thần tự phê bình, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, dân chủ, đoàn kết, chân tình.
“Các đồng chí được góp ý đã tiếp thu nghiêm túc, cầu thị, coi đây như là cơ hội quý để học tập, chia sẻ lẫn nhau. Trong quá trình kiểm điểm, từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã liên hệ đến trách nhiệm cá nhân đối với lĩnh vực được phân công, thấy rõ những ưu điểm để phát huy, nhận ra những khuyết điểm, hạn chế để khắc phục”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cho hay, qua kiểm điểm tập thể và cá nhân, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy: Năm 2021, trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn luôn đoàn kết, thống nhất, bình tĩnh, kiên định, sáng suốt trước khó khăn, thử thách, có nhiều đổi mới và sáng tạo, bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối, cụ thể hóa các nội dung quan trọng của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thời gian qua đã có các quyết sách đúng đắn, kịp thời và phù hợp với tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tổ chức triển khai thực hiện, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có những dấu ấn nổi bật, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, bạn bè thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng còn một số hạn chế, khuyết điểm. Công tác dự báo chiến lược, hoạch định đường lối, chính sách và tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận có lúc, có việc chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới...
Vì vậy, Tổng Bí thư đề nghị Trung ương với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng những ưu điểm, những hạn chế, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư gắn với thực hiện Kết luận Trung ương 4 khóa XIII trên các lĩnh vực. Đặc biệt, cần chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra các giải pháp tích cực khắc phục trong thời gian tới.
Đồng bộ từ Trung ương đến địa phương
Về đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho biết, đề án có sự kế thừa kết quả thời gian qua và xuất phát từ những yêu cầu đặt ra đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới.
Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gửi xin ý kiến các ban, bộ, ngành, địa phương và các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để tiếp thu, hoàn thiện Đề án.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN
Tuy chưa chính thức có chủ trương chung nhưng đến nay đã có 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập Ban Chỉ đạo để tham mưu cho tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác này (Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa). Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư đánh giá, đề án đã trình bày đầy đủ, đúng đắn, có cơ sở lý luận và thực tiễn về sự cần thiết, căn cứ và nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cũng đã dự thảo các văn bản liên quan.
Tổng Bí thư đề nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét, cho ý kiến và quyết định về những kiến nghị, đề xuất nêu trong Tờ trình của Bộ Chính trị, nhất là về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, theo tinh thần "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt!".
Tạo chuyển biến, tiến bộ mới
Về đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, Tổng Bí thư cho biết, lâu nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư các khóa đều rất quan tâm, chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên theo đúng tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần nhấn mạnh: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt".
Phong trào xây dựng "đảng bộ bốn tốt", "chi bộ bốn tốt", "đảng viên bốn tốt" được phát động và duy trì thường xuyên ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những nơi có tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp.
Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, thậm chí một số nơi còn xem nhẹ. Không ít cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị chưa vững vàng; vai trò tiên phong, gương mẫu còn hạn chế; tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình còn yếu. Năng lực, trình độ của một số cấp ủy viên, bí thư cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc, nội dung, chế độ sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chậm đổi mới.
Nhiều nơi, chi bộ chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân chính trị, tiên phong, gương mẫu nên nhân dân chưa thực sự tin tưởng. Thậm chí có một bộ phận cán bộ, đảng viên còn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề nêu trong tờ trình, để sau Hội nghị Trung ương có một chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng.