Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những người tinh hoa của đất nước
Đối với nhân sự thuộc diện Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đây là những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ tinh hoa của quốc gia...
PGS. TS. Lê Quốc Lý
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện trọng đại của Đảng, của đất nước và nhân dân ta, sẽ khai mạc vào ngày 25/1 tới đây. Một trong những nội dung rất quan trọng của Đại hội là bầu ra Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới.
Báo Giao thông có cuộc trao đổi với PGS. TS. Lê Quốc Lý, nguyên Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh câu chuyện lựa chọn những người có đức, có tài, đủ tầm vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, dẫn dắt đất nước phát triển.
Nhìn vào kết quả công việc để đánh giá
Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định. Ông đánh giá thế nào về công tác nhân sự Đại hội lần này?
Trong thời gian qua, Đảng ta làm rất chặt chẽ các quy trình liên quan tới công tác cán bộ. Các quy trình này được thực hiện qua rất nhiều khâu, rà soát lại nhiều lần.
Quá trình đó cũng chính là quá trình để sàng lọc, đánh giá lại cán bộ. Những người có thể ban đầu được vào quy hoạch nhưng sau đó quá trình này phát hiện ra những “tì vết”, những vấn đề không phù hợp với tiêu chuẩn, tiêu chí thì có thể bị loại ra.
Có thể nói, công tác chuẩn bị nhân sự được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, sự đoàn kết, thống nhất cao.
Đồng thời, tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, hiệu quả theo phương châm: Làm từng bước, từng việc, từng khâu, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó.
Đặc biệt, quan điểm xử lý hài hòa, hợp lý giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; giữa tính phổ biến và tính đặc thù; giữa chuyên môn đào tạo và sở trường, năng lực thực tiễn; giữa kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển đã được thực hiện rất hiệu quả.
Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng, bảo đảm phù hợp về cơ cấu theo địa bàn, lĩnh vực công tác, độ tuổi, giới tính, dân tộc… nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Và như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Ban Chấp hành Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và trong nhân dân.
Rõ ràng công tác nhân sự đã được chuẩn bị rất chặt chẽ, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, theo ông thì làm thế nào để lựa chọn được những người nổi trội nhất trong những người nổi trội, ưu tú nhất trong những người ưu tú, bởi công việc của đất nước trong bối cảnh mới đòi hỏi phải có những người lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm, đủ uy tín để gánh vác?
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, thời đại của công nghệ 4.0, đòi hỏi tiêu chuẩn, phẩm chất của người lãnh đạo phải được nâng lên tầm mới. Đặc biệt, những người tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thì cần phải là những người ưu tú nhất, có khát vọng đưa đất nước vươn lên.
Người lãnh đạo phải hội tụ đầy đủ những yếu tố như có đức, có tài, có bản lĩnh chính trị. Cái tài thực sự phải thể hiện bằng kết quả thực tế để dẫn dắt nhân dân, để khơi dậy khát vọng vươn lên của toàn thể nhân dân, đưa đất nước đi trên con đường mới, phát triển hơn, to đẹp hơn.
Để đánh giá người lãnh đạo thực sự có đức, có tài hay không, theo ông cần dựa vào đâu?
Để đánh giá thì phải dựa vào những công việc họ đã làm và kết quả đạt được, đó có thể là những kết quả về kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng. Ví dụ, người đứng đầu cấp tỉnh thì thời gian qua họ đã làm cho địa phương đó giàu có lên chưa, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc hay chưa?
Không chỉ có tài năng mà còn phải đánh giá về cả đạo đức, việc đánh giá này thì cần phải dựa vào nhân dân, bằng sự giám sát của quần chúng. Chúng ta cần những người hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc, làm việc phải vì cái chung trước.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải là những người tiêu biểu, mẫu mực về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật.
Đối với nhân sự thuộc diện Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đây là những chuẩn mực của đội ngũ cán bộ tinh hoa của quốc gia, là lực lượng nòng cốt của đất nước, quyết định đến bản chất của chế độ, đường hướng phát triển của đất nước, do đó có những yêu cầu rất cao, phải thực sự tiêu biểu.
Trước hết, đội ngũ cán bộ này phải là người biết hy sinh cá nhân để có những đóng góp cho sự nghiệp lớn của đất nước, là người mẫu mực trong thực thi công vụ, mẫu mực trong đạo đức, lối sống. Đội ngũ cán bộ tinh hoa phải có thực tài, có thực tâm và có đủ tầm.
Vì sao kết quả công việc trong thực tế; đã đạt được những thành tựu gì trong quá trình công tác lại có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét, đánh giá người nào đó có đủ đức, đủ tài?
Việc xem xét những thành quả mà cán bộ đã đạt được rất quan trọng, đó là minh chứng cho tài năng, năng lực và cả đức độ của họ trong sự cống hiến cho Đảng và cho đất nước.
Cán bộ tốt là cán bộ biết phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Để có được những kết quả tốt về kinh tế - xã hội như thế thì chắc chắn người lãnh đạo phải “lao tâm, khổ tứ”, dành thời gian, công sức và trí tuệ của mình cống hiến cho nhân dân, cho đất nước. Những người chưa làm đã vì lợi ích cá nhân của riêng mình, của dòng họ mình, của phe nhóm mình thì chắc chắn không có được kết quả tốt.
Sàng lọc kỹ, chọn những người ưu tú nhất
Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng của mỗi lá phiếu bầu tại Đại hội Đảng?
Để có được danh sách bầu Ban chấp hành Trung ương như đã đề cử, Đảng ta đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu bằng nhiều bước tuyển chọn. Danh sách này một lần nữa được tuyển chọn, sàng lọc qua hình thức bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc.
Vai trò của đại biểu đi dự Đại hội là rất lớn, những lá phiếu của họ quyết định nhân sự Ban chấp hành Trung ương. Vì vậy, các đại biểu phải thận trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng, khách quan từng hồ sơ của các ứng cử viên. Không thể bỏ phiếu theo kiểu cảm tính, thân hữu, lợi ích nhóm.
Ngoài ra, các đại biểu phải đánh giá một cách toàn diện bằng thực tế đời sống của ứng cử viên. Về năng lực của ứng viên thì phải xem xét về những việc họ làm được, về đạo đức thì phải nghe ngóng hàng xóm, đồng nghiệp đánh giá như thế nào.
Việc lựa chọn chính xác để có một Ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư thực sự tiêu biểu có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian sắp tới, thưa ông?
Đại hội XIII lựa chọn được những con người có tài, có đức, kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững con đường mà Bác Hồ, mà Đảng ta đã chọn thì chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho nhân dân, giúp đất nước phát triển. Ngược lại, nếu để lọt những thành phần cơ hội, chỉ vì mưu cầu cá nhân, xa rời với lý tưởng thì chắc chắn sẽ làm cho đất nước tụt hậu.
Văn kiện Đại hội XIII có rất nhiều nội dung mới, trong đó có xác định, đến năm 2025 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây là những mục tiêu thể hiện khát vọng lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Để đạt được những mốc son đó, phải có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân và một trong những yếu tố quan trọng nhất và có tính quyết định thành công, chính là công tác cán bộ.